Xã hội

Quảng Ninh: Thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng trong đợt mưa lũ lớn nhất trong 5 năm qua

Quảng Ninh

Đêm 8 đến ngày 9/6, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có mưa to đến rất to và dông, đây là đợt mưa lớn diện rộng được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây xảy ra trên địa bàn.

Mưa lớn gậy ngập tại thành phố Uông Bí.
 Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 10/6, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 8 - 9/6 trên địa bàn tuy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 5 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao, từ đêm 8 đến ngày 9/6, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có mưa to đến rất to và dông. Đây là đợt mưa lớn diện rộng được đánh giá là lớn nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây xảy ra trên địa bàn.

Các địa phương bị ảnh hưởng lớn là: thành phố Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái và các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Vân Đồn. Hàng ngàn nhà dân, tài sản, rau màu bị ngập úng. Nhiều điểm trên các tuyến tỉnh lộ, khu dân cư bị sạt lở. Cụ thể, thành phố Uông Bí có trên 130 ha ao, đầm thủy sản bị ngập, trôi 500 con gia súc, gia cầm. Huyện Tiên Yên bị ngập khoảng 300 ha lúa, 4 hộ dân có nhà bị ngập trên 1m, 4 hộ dân khác có nhà bị sạt lở bờ tường và công trình phụ. Thành phố Hạ Long bị đổ một cột điện dân sinh, 29 hộ dân bị ngập lụt, 20 ha lúa bị ngập. Mưa lớn gây sạt lở 6 điểm trên tuyến đường liên xã tại huyện Bình Liêu. Huyện Ba Chẽ đã tổ chức di dời 1 hộ dân có nhà bị sạt lở, 1 hộ dân có nhà bị ngập; 13 điểm trên tuyến đường huyện, liên xã, thôn bị sạt lở.

Các địa phương bị ảnh hưởng nặng đều đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức khắc phục ngay khi mưa ngớt.

Để chủ động ứng phó tình huống trong thời gian tới khi xuất hiện mưa lớn với cường độ tương tự, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đề nghị, UBND các địa phương rà soát lại các vị trí ngập lụt, đặc biệt là khu vực đô thị; tổ chức duy tu, nạo vét lại hệ thống thoát nước, kiên quyết di dời ngay những công trình tạm ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở. Các địa phương rà soát lại các lán, trại, công trình xây dựng trên địa bàn; tiếp tục tuyên truyền về nguy cơ về tình huống thiên tai mưa lớn để người dân chủ động phòng, chống, tránh để tình huống xảy ra rồi mới triển khai cứu hộ.

Hiện nay, các địa phương duy trì cử người canh gác tại ngầm tràn, khơi thông cống, rãnh, giảm nhanh tình trạng ngập, lụt cục bộ. Các đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức theo dõi mực nước, chủ động hạ mực nước hồ đón lũ, xả lũ tại một số hồ. Hiện, các hồ chứa đảm bảo an toàn. Các đơn vị quản lý tiếp tục theo dõi và sẵn sàng biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa kéo dài./.

Vũ Văn Đức

Xem thêm