Để chủ động phòng chống cháy rừng, hầu hết các địa phương của Phú Yên đã kiện toàn tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy ở thôn, buôn; phân chia rõ nhiệm vụ của các tổ công tác khi triển khai lực lượng chữa cháy rừng.
Theo dự báo, từ tháng 5-7/2024 tại tỉnh Phú Yên là giai đoạn nắng nóng cao điểm với nhiệt độ cao nhất từ 38- 40°C và xảy ra trên diện rộng toàn tỉnh. Thời tiết nắng kéo dài dẫn đến nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Các cơ quan chức năng và chủ rừng đã chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa) quản lý hơn 7.084ha rừng (6.989ha rừng tự nhiên, 43ha rừng trồng có trữ lượng, 53ha rừng trồng chưa có trữ lượng). Vùng nguy cơ xảy ra cháy rừng là 15 vị trí (cấp III đến cấp V) với diện tích hơn 1.078ha. Trong đó, có 1.033ha rừng tự nhiên, hơn 45ha rừng trồng trên địa bàn các xã Ea Chà Rang, Krông Pa, Sơn Phước, Suối Trai. Diện tích rộng, lực lượng hạn chế, nhưng đơn vị vẫn nỗ lực trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cho biết: Ban Quản lý rừng đã phối hợp với các địa phương thành lập các tổ khoán bảo vệ rừng để thường xuyên kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cũng như địa điểm người dân thường qua lại. Thời điểm nắng nóng này càng phải tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân không đốt thực bì sau sản xuất nông nghiệp để ảnh hưởng cháy lan vào rừng. Một số bảng, biển tuyên truyền về bảo vệ rừng bị mờ, xuống cấp, Ban đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cấp kinh phí tu sửa để nâng cao hiệu quả cảnh báo…
Để chủ động phòng chống cháy rừng, hầu hết các địa phương đã kiện toàn tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy ở thôn, buôn; phân chia rõ nhiệm vụ của các tổ công tác khi triển khai lực lượng chữa cháy rừng. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra để kịp thời phát hiện những vị trí có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, ý thức được việc cháy rừng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế nên các chủ rừng khi được giao quản lý lâm phần luôn nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa. Chủ rừng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy trong thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Mỗi địa phương đều chủ động phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm "bốn tại chỗ"; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hiện 100% lực lượng kiểm lâm của tỉnh Phú Yên đã được lưu ý về diễn biến phức tạp của thời tiết, đồng thời xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng được bố trí ở các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Tỉnh Phú Yên hiện có hơn 257.169ha rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định 212 vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, với diện tích rừng trồng khoảng 109.401ha. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên thường xuyên đưa thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ: kiemlam.org.vn; trang điện tử Chi cục Kiểm lâm Phú Yên: kiemlam.phuyen. gov.vn để các địa phương, chủ rừng biết phòng ngừa, phối hợp và chỉ đạo lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Theo ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, ngoài nỗ lực của lực lượng bảo vệ rừng, các địa phương cũng cần chủ động thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí kinh phí mua thiết bị chữa cháy ban đầu cho tuyến xã như máy xịt nước và máy thổi gió. Tối thiểu mỗi xã phải có một máy để chữa cháy ban đầu khi phát hiện cháy rừng bởi thời tiết trong năm 2024 còn diễn biến rất phức tạp./.
- Từ khóa:
- Phú Yên
- chủ động
- phòng cháy
- chữa cháy rừng