Quy định 144 sẽ giúp cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới. Đây phải là những cán bộ vừa có đức vừa có tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời gian tới.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Đây không phải lần đầu tiên Đảng ta đề ra các tiêu chuẩn, quy định về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên; vấn đề này đã được đề cập, chỉ rõ và yêu cầu người cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực hiện từ rất sớm, trong nhiều văn bản. Việc ban hành Quy định 144 là một bước tiến nhằm cụ thể hóa hơn nữa các quy định đối với cán bộ, đảng viên đã ban hành trước đó; đồng thời, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Làm rõ hơn nội dung này, ông Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Đảng ta coi trọng, quan tâm trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 đúng vào thời điểm lúc kết thúc Hội nghị Trung ương lần 9 khóa XIII, đây cũng thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
* Đưa Quy định 144 vào cuộc sống
Theo ông Nguyễn Quang Phúc, thực trạng trong công tác xây dựng Đảng vừa qua cho thấy, hơn một nửa nhiệm kỳ khóa XIII, rất nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong đó có cả cán bộ cấp cao bị xử lý, nguyên nhân sâu xa là do vi phạm quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì lẽ đó, việc Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 tuy không mới, nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Năm điều trong Quy định 144 là 5 chuẩn mực cơ bản của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Đây là những phẩm chất cơ bản của người cán bộ, đảng viên. Nếu thiếu 1 trong 5 tiêu chuẩn đó thì không thể là cán bộ, không thể làm công bộc của dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Phúc, khi thực hiện, chúng ta không chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, cần phải có các giải pháp căn cơ về cơ chế, chính sách pháp luật, về công tác kiểm tra, giám sát, về tự nêu gương, rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong mỗi giai đoạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Làm được như vậy Quy định 144 mới đi vào cuộc sống.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, Quy định 144 cũng nhấn mạnh, trong những chuẩn mực quan trọng ở bất cứ giai đoạn nào mà cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần, nhất là cán bộ giữ chức vụ, đó là tinh thần tự giác nêu gương. Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải nêu gương trước đối với cấp dưới; cấp ủy nêu gương trước đảng viên; đảng viên nêu gương trước quần chúng.
* Cán bộ không có tinh thần "6 dám" sẽ dẫn đến trì trệ
Quy định 144 cũng nêu rõ tinh thần "6 dám" là: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Ông Nguyễn Quang Phúc thẳng thắn chia sẻ: Điểm hạn chế trong việc triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đó là giữa lời nói và việc làm còn có khoảng cách. Gần đây, Trung ương đã có quy định về bảo vệ cán bộ trong việc triển khai thực hiện nghị quyết vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, cơ quan, đơn vị. Đây là điều rất cần thiết. Bởi, thực tiễn công cuộc đổi mới đang có nhiều vấn đề mới đặt ra, nếu cán bộ không có tinh thần “6 dám” sẽ dẫn tới sự trì trệ. Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám” sẽ thành trở lực cho sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý vi phạm pháp luật. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là vi phạm đạo đức, không chịu rèn luyện, tu dưỡng. Vì vậy, Quy định 144 ra đời là hết sức cần thiết. Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tiền phong, gương mẫu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là lựa chọn cấp ủy khóa mới, kể cả cán bộ cấp chiến lược và cán bộ cấp ủy cơ sở. Do vậy, Quy định 144 sẽ giúp cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới. Đây phải là những cán bộ vừa có đức vừa có tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời gian tới; tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
* Xử lý chính xác, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm
Đối với thực tế triển khai Quy định tại Hải Dương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Quang Phúc nêu rõ: Tỉnh ủy sẽ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải đưa nội dung Quy định 144 vào nghị quyết lãnh đạo ở cấp mình; xác định rõ những chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hải Dương cũng sẽ xây dưng kế hoạch xác định mục tiêu phấn đấu cho từng loại hình cơ quan, đơn vị và từng nhóm cán bộ, đảng viên căn cứ trên Quy định 144; tiếp tục đề cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo đúng nguyên tắc “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau”.
Đối với tổ chức cơ sở đảng, cần tập trung xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng. Các chi bộ đảng phải tiến hành tốt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, chú ý đến tất cả mối quan hệ xã hội, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ tự phê bình và phê bình. "Tự phê bình và phê bình phải gắn với công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật, giúp phát hiện và xử lý chính xác, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm Quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới", ông Nguyễn Quang Phúc nhấn mạnh./.