Xã hội

Sóc Trăng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng quyết liệt thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân (Thủ phủ) hành tím thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch hành tím thương phẩm. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)

TTXVN - Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc. Tỉnh quyết liệt thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được quan tâm chăm lo. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Theo ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh được phân bổ 170,56 tỷ đồng, đến nay giải ngân đạt 40%. Tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện là Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 64/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 31 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 05 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 6 tháng qua, tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản cho 10 hộ ở địa bàn xã đặc biệt khó khăn; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho 20 hộ dân; bàn giao 4 con bò cái sinh sản cho 4 hộ dân ở ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú.

Thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số” đến năm 2025 theo Quyết định số 2152/QĐ-TTg và Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) năm 2023 là trên 324,6 tỷ đồng nhưng việc giải ngân còn chậm. Nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023 có 9 chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án của 5 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động với tổng giá trị hơn 29 tỷ đồng. Một số công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các tiểu dự án ven biển được đầu tư xây dựng từ chương trình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng dự án được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao kỹ năng và năng lực ứng phó, chống chịu với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sinh sống.

Từ các nguồn vốn của các cấp, các ngành, Trung ương và địa phương, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai Dự án dạy nghề, giải quyết việc làm lồng ghép thực hiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo…/.


Trung Hiếu

Tin liên quan

Xem thêm