Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Sơn La có vị trí hết sức quan trọng, là hậu phương trực tiếp của mặt trận.
TTXVN - Ngày 25/4, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Sơn La với Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và một số vấn đề phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh”, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Các tham luận tại hội thảo đã phân tích toàn diện, luận giải sâu sắc về nhiều khía cạnh trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, cũng như những đóng góp của quân và dân Sơn La vào Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các tham luận cũng đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp trong vấn đề phát huy giá trị một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Sơn La có vị trí hết sức quan trọng, là hậu phương trực tiếp của mặt trận. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước thi đua đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho mặt trận Điện Biên Phủ".
Ông Nguyễn Duy Lương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La thông tin: Sơn La là trung tuyến của tiền tuyến Chiến dịch Điện Biên Phủ; là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, có con đường huyết mạch nối liền đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu Ba, Khu Bốn với chiến trường Điện Biên Phủ… nên gánh vác nhiệm vụ lịch sử rất quan trọng. Do đó, yêu cầu nhiệm vụ chính trị phục vụ chiến dịch đặt ra cho tỉnh Sơn La rất khẩn trương, quyết liệt, trọng tâm như nhiệm vụ góp phần đảm bảo giao thông tuyến đường 13 đến Ngã ba Cò Nòi và đường 41 (nay là Quốc lộ 6) từ Suối Rút đến đèo Pha Đin; bảo vệ các tổng kho tiền phương, bến Phà Tạ Khoa, huy động lương thực, thực phẩm; giữ vững an ninh trật tự địa bàn…
“Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt và anh dũng, ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tỉnh Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương trực tiếp của chiến dịch quyết chiến chiến lược, góp phần làm nên Chiến thắng "Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Riêng về lương thực, thực phẩm, tỉnh Sơn La đã đóng góp 3.607 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 52 tấn), thịt các loại trên 144 tấn (vượt chỉ tiêu 84 tấn); rau các loại 140 tấn. Cùng với đó, nhân dân các dân tộc Sơn La phấn khởi tham gia 21.687 lượt dân công và 2.434.000 ngày công đóng góp cho chiến dịch để làm đường, đảm bảo vận chuyển. Về phương tiện vận chuyển có 83 thuyền, 872 ngựa thồ; đồng thời, cùng với dân công các tỉnh vận chuyển đạt 4.450.000 tấn hàng hóa ra mặt trận”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La Nguyễn Vũ Điền cho biết: Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La, cũng như nhiều đơn vị, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Khu Tây Bắc trao tặng những phần thưởng cao quý. Những địa danh của Sơn La nằm trên tuyến hậu cần huyết mạch lên chiến trường Điện Biên Phủ như: Đèo Lũng Lô, Rừng Bản Nhọt, Bến phà Tạ Khoa, Đèo Chẹn, Ngã ba Cò Nòi, Nà Sản, Đèo Phạ Đin đã đi vào lịch sử. Nhiều địa danh này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.../.
- Từ khóa:
- Sơn La
- chiến thắng Điện Biên Phủ