Văn hóa

Tái thiết đô thị Hà Nội từ hoạt động sáng tạo, cần chất xúc tác mới - Bài 3: Lấy cộng đồng làm trung tâm

Hà Nội

Nhìn lại những dự án tái thiết đô thị của Hà Nội thời gian qua cho thấy, cộng đồng luôn là trung tâm hướng đến, lợi ích của cộng đồng luôn được đặt lên hàng đầu.

Con đường bích họa tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội). 
Ảnh: Thúy Nga/TTXVN

Một trong những mục tiêu của việc tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo là lấy văn hóa và sáng tạo để phát triển đô thị một cách bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhìn lại những dự án tái thiết đô thị của Hà Nội thời gian qua cho thấy, cộng đồng luôn là trung tâm hướng đến, lợi ích của cộng đồng luôn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, những người thực hiện chương trình, dự án còn huy động nội lực trong cộng đồng để cùng thực hiện, duy trì, quản lý các công trình tái thiết, nhằm tạo sự bền vững lâu dài.

* Đặt lợi ích cộng đồng làm trung tâm

Người dân thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật tại Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Từ những dự án nghệ thuật công cộng như: phố Bích họa Phùng Hưng, cầu đi bộ Trần Nhật Duật, con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân hay các dự án cải tạo di tích cũ như: Hội quán Quảng Đông, Hội quán Phúc Kiến, đình Nam Hương đến các dự án không gian công cộng đa chức năng, công viên rừng khu vực bờ vở sông Hồng đều có đích đến là cộng đồng. Con phố Phùng Hưng bên vòm cầu đường sắt thay vì bao nhiêu năm nhếch nhác, ô nhiễm thì nay đã trở nên sạch đẹp. Một cầu đi bộ Trần Nhật Duật bụi bặm, ban đêm thiếu ánh sáng, vắng bóng người qua lại, nay lúc nào cũng tấp nập người đi. Đặc biệt, các dự án khu vực bờ vở sông Hồng, các dự án sân chơi trong phố được coi là điển hình cho việc nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc Sáng tạo thuộc Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố - Thing Playgrounds cho rằng, trong 20 năm trở lại đây, Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phát triển các không gian công cộng để giải quyết vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, nhất là đối với trẻ em chưa được quan tâm nhiều. Người dân chưa gắn kết được với tự nhiên và môi trường xung quanh. Vì vậy, Thing Playgrounds muốn góp phần cân bằng lại, cải thiện không gian công cộng, tăng không gian xanh cùng các tiện ích để tạo sự thân thiện, an toàn cho trẻ em và người dân nói chung.

Một tác phẩm nghệ thuật tại Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân.
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Trong số 240 sân chơi trong phố được Thing Playgrounds triển khai trên toàn quốc, có đến 60% thực hiện tại Hà Nội. Trong đó, đa phần nằm trong các khu tập thể, dân cư, thậm chí những nơi từng là bãi rác, nhà vệ sinh công cộng, nơi đỗ xe trái phép được cải tạo lại. Sau này, Thing Playgrounds phát triển thành tiểu công viên, có các chức năng sân chơi, không gian xanh, khu tập thể thao dành cho mọi lứa tuổi. Dù ở nhiều địa điểm là những nơi khó xử lý để cải tạo nhưng với phương pháp hiệu quả, những bãi rác, nhà vệ sinh công cộng cũ, bãi đỗ xe trái phép đều trở thành sân chơi, tiểu công viên. Sau khi được cải tạo, xây dựng, các sân chơi đều trở thành nơi thu hút rất đông trẻ nhỏ và người dân. Đặc biệt, nhiều nơi được thiết kế cho cả người khuyết tật như sân chơi ở phường Phúc Tân.

Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cũng bén duyên với các dự án tái thiết đô thị tại bờ vở sông Hồng bắt nguồn từ việc triển khai dự án Photovoice - Kể chuyện về Hà Nội qua ảnh của những người lao động di cư. Các dự án cải tạo bãi rác thành khu vui chơi đa chức năng, công viên rừng ở bờ vở sông Hồng được triển khai nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân, tạo ra chỗ vui chơi, nâng cao đời sống tinh thần và kết nối cộng đồng. Bởi vậy, các dự án đều được sự ủng hộ cao của người dân, chính quyền các phường cũng như quận Hoàn Kiếm.

Người dân tập thể dục buổi sáng. 
Ảnh: TTXVN phát

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hà Nội bao gồm nhiều mảnh ghép đô thị được chắp lại với nhau. Mỗi mảnh ghép xuất hiện vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, xây dựng theo những mô hình khác nhau hướng tới những mục tiêu khác nhau… để lại một Hà Nội hôm nay đa dạng các loại hình đô thị. Trong đó có những lát cắt theo thời gian cần được tái thiết để có diện mạo mới và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nhiều dự án đã lấy lợi ích người dân làm trung tâm của hoạt động tái thiết. Qua đó, tính bình đẳng và dân chủ trong xã hội được thúc đẩy hơn.

* Biến đổi ý thức cộng đồng

Thông thường, các dự án đều triển khai theo quy trình từ các cơ quan quản lý xuống cơ sở và người dân. Tuy nhiên, nhiều dự án tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo lại triển khai từ cộng đồng lên các cơ quan chức năng. Đây là những dự án được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp xã hội, hỗ trợ cho cộng đồng. Thực tế cho thấy, việc huy động cộng đồng cùng tham gia vào các dự án tái thiết đô thị, giao việc duy trì các dự án cho cộng đồng đã tạo nên sự bền vững. Việc lấy cộng đồng làm trung tâm, huy động nguồn lực từ cộng đồng, coi cộng đồng là một thành tố quan trọng, các dự án đều nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Qua đó, các cơ quan chức năng cùng đồng hành, tạo điều kiện để triển khai thực hiện các công trình, dự án.

Công viên rừng Chương Dương được cải tạo từ bãi rác ven sông Hồng. 
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Ban đầu khi triển khai các dự án không gian công cộng đa chức năng, công viên rừng tại bờ vở sông Hồng gặp nhiều khó khăn vì người dân không tin có thể cải tạo bãi rác ô nhiễm hàng chục năm qua thành khu vui chơi, công viên. Tuy nhiên khi được họp bàn, cùng làm với các đơn vị thực hiện, người dân nơi đây đều ủng hộ. Các tầng lớp nhân dân, cả người già và trẻ nhỏ đều được tham gia từ khâu thiết kế, cải tạo, thậm chí còn tự lập nhóm zalo để thường xuyên cập nhật thông tin. Từ đó, họ nhìn thấy vai trò của mình trong việc triển khai các dự án và rất tích cực tham gia. Giai đoạn đầu triển khai các dự án, người dân cùng các đoàn thể của hai phường Chương Dương và Phúc Tân được huy động dọn rác, phát quang bụi rậm, cùng làm hạ tầng đường đi, sân chơi. Khi đưa vào sử dụng, việc vứt rác bừa bãi tuyệt nhiên không còn, mọi người tự mua dụng cụ dọn vệ sinh để làm, cùng nhắc nhở nhau giữ vệ sinh chung...

Bà Nguyễn Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân cư số 5, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) phấn khởi cho biết, bắt đầu từ lúc xây dựng khu vui chơi đa chức năng và khu vườn cộng đồng tại tổ dân cư số 5, 6, người dân ở đây tự nguyện lập nhóm tình nguyện, góp kinh phí và công sức để tôn tạo nền bê tông, mua thêm đồ chơi lắp đặt, dọn dẹp vệ sinh. Sau khi hoàn thành, Hội Phụ nữ phường cùng các Chi hội được giao nhiệm vụ quản lý, duy trì vườn cộng đồng. Mọi người đều tự giác để khu vườn ngày càng đẹp hơn.

Khu vui chơi tổ 1, phường Phúc Tân được cải tạo từ bãi cỏ hoang và trồng rau ven bờ vở sông Hồng
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), từ khu vực bãi rác và trồng rau hình thành nên công viên rừng là quá trình triển khai công phu của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân. Khi hoàn thành, công viên rừng được chuyển giao cho nhân dân duy trì. Người dân rất phấn khởi và tự giác dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ các hạng mục ở đây.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (Cơ quan thường trực Thành phố sáng tạo Hà Nội) cho rằng, những dự án tái thiết phải có tiếng nói của người dân và phù hợp với đời sống người dân, đáp ứng được nguyện vọng và sự đồng thuận của nhân dân mới thành công và bền vững. Nếu các dự án tái thiết không có sự vào cuộc của cộng đồng, không ai quan tâm thì sẽ không đạt hiệu quả. Vai trò của cộng đồng là quan trọng. Người dân có đóng góp, có hiểu thì sau khi dự án kết thúc mọi người mới giữ gìn, coi như tài sản chung của cộng đồng. Như vậy, dự án tái thiết đó sẽ mang tính thiết thực.

Hà Nội hiện đang có nhiều dư địa để tái thiết đô thị thông qua hoạt động sáng tạo. Đây là nguồn lực lớn để giới nghệ sĩ, kiến trúc sư, giới sáng tạo bằng tâm huyết tạo nên những mảng màu đặc sắc cho thành phố. (Còn nữa)

Bài 4: Dư địa tiềm năng cho tái thiết đô thị

Đinh Thị Thuận

Xem thêm