Môi trường

Tăng cường hợp tác đa bên trong bảo tồn đa dạng sinh học

Hợp tác giữa các thành phần kinh tế, khu vực công – tư, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương sẽ trở thành xương sống trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Trưng bày ảnh về đa dạng sinh học tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

(TTXVN) Ngày 28/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Dự án cho biết, Việt Nam tự hào là một quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, với sự đa dạng về hệ sinh thái, loài và nguồn gen, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý hiếm và đặc hữu chỉ phân bố tại Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật được xác định. Trong đó, có khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; hơn 11.000 loài sinh vật biển khác…

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép, một vấn đề được coi là một loại hình tội phạm nghiêm trọng bởi những tác động của hoạt động này không chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo tồn mà liên đới tới nhiều lĩnh vực khác, không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà ở quy mô toàn cầu. 

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng như bảo tồn các loài hoang dã nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự được như mong đợi. Một trong số những nguyên nhân chính khiến các hoạt động không đạt được hiệu quả như mong muốn là chưa có sự vào cuộc đồng bộ và cách tiếp cận hiệu quả để huy động sự tham gia tích cực và thúc đẩy vai trò của các bên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và loài hoang dã nói riêng.

Bảo tồn đa dạng sinh học giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN
Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ của toàn xã hội vì bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội đều là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững gần hơn. Sự hợp tác giữa các thành phần kinh tế, khu vực công – tư, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương sẽ trở thành xương sống trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã. Đây cũng là nền tảng để phát huy hiệu quả việc triển khai các sáng kiến, chiến lược, kế hoạch từ cấp trung ương đến địa phương.  

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” là một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức đến xây dựng các chương trình phối hợp lâu dài. Từ đó huy động nguồn lực tổng hợp và tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. 

Đây là dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai trong từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2022 do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của Dự án nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên. 

Dự án có 3 hợp phần chính gồm: Hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng; tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật quốc gia và các cơ quan quản lý bảo tồn để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài nguy cấp; tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô và thể chế hóa các chiến dịch đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp. 

Qua việc triển khai các Hợp phần, Dự án đã xây dựng và phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã như là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực và thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước và quốc tế./.

Hoàng Nam

Tin liên quan

Xem thêm