Thực thi chính sách

Tạo động lực cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được triển khai toàn diện, đồng bộ, tạo động lực to lớn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, thử thách.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

TTXVN - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tại Bộ Quốc phòng”.

Đồng chủ trì hội nghị có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh; Tiến sĩ Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cho biết, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 507/CT-QUTW ngày 28/7/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội. Việc đổi mới được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ ở các khâu, các bước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các mặt hoạt động, các lĩnh vực công tác, qua đó tạo sự tiến bộ mạnh mẽ, đồng đều, vững chắc của từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm đánh giá, công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được triển khai toàn diện, đồng bộ và phát triển sâu rộng, tạo động lực to lớn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt công tác kiện toàn, ban hành các quy chế, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những nội dung, giải pháp thiết thực, hiệu quả để thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”. Cũng từ đây, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có dịp cùng quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Người về thi đua ái quốc đó là “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Nhiều ý kiến tập trung đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt vai trò nêu gương trong tổ chức các phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; văn hóa trong thực hiện thi đua, khen thưởng; kiểm soát quyền lực trong công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới công tác tuyên truyền gương điển hình tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin để đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng gần gũi hơn nữa thông qua việc tổ chức học tập về thi đua, khen thưởng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cao cấp và trung cấp.

Các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; làm tốt công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến…

Phát biểu kết luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm khẳng định, Tọa đàm đã góp phần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, bản thân mỗi cán bộ của các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng.

Đồng thời, Tọa đàm góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, tính thực tiễn trong việc triển khai công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị Quân đội; một lần nữa khẳng định giá trị bền vững của công tác thi đua, khen thưởng thực sự là phương thức lãnh đạo của đảng, công cụ quản lý của Nhà nước, là động lực thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả của Tọa đàm là cơ sở để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2014 - 2024.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức nhiều phong trào thi đua và tiến hành hiệu quả công tác khen thưởng. Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng, công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội luôn giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng, tạo ra động lực thi đua mạnh mẽ, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hăng say công tác, lao động, sản xuất, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần to lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến. Hàng vạn cá nhân, tập thể anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực như huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thể thao thành tích cao, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... đã làm rực rỡ vườn hoa "Thi đua quyết thắng" của Quân đội, góp phần đưa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam phát triển lên tầm cao mới./.

Tin liên quan

Xem thêm