Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong Quân đội đã bám sát thực tiễn nhiệm vụ xây dựng Quân đội và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TTXVN - Chiều 19/10, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị trao đổi công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam báo cáo công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh lý luận chính trị là một lĩnh vực khoa học có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Đại tướng Lương Cường cho rằng, tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu đổi mới có tính đột phá trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và nhu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đã góp phần bảo vệ, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội; cung cấp những luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định, xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm trong bất luận hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong Quân đội đã bám sát thực tiễn nhiệm vụ xây dựng Quân đội và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các công trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị tập trung làm rõ những vấn đề về xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc, về "xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ", xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy"; về nghiên cứu các giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa Quân đội” của các thế lực thù địch; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kết quả nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong Quân đội góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cùng với các cơ quan nghiên cứu lý luận trong cả hệ thống chính trị, công tác nghiên cứu lý luận trong Quân đội đã góp phần quan trọng trong công tác đề xuất, tham mưu với Trung ương, đặc biệt là về những nội dung liên quan đến thực tiễn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đưa ra nhiều tầm nhìn, tư duy, định hướng mới trong công tác nghiên cứu, góp phần hình thành các luận cứ để Trung ương, Bộ Chính trị ban hành nhiều quyết sách quan trọng.
Quân đội nói chung và đội ngũ làm công tác lý luận trong Quân đội nói riêng đã tham gia, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cùng với đó, góp phần cụ thể hóa hàng loạt chiến lược như Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Chiến lược Quân sự Việt Nam; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo... Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, những kết quả đó thể hiện kết tinh trí tuệ của những người làm công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, trong đó có những đồng chí giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Quân đội và các cơ quan tham mưu, cùng với sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan trong, ngoài Quân đội.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội nghị lần này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề xuất, trong thời gian tới, Quân đội tiếp tục tăng cường phối hợp về công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trên nhiều kênh hơn, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan như Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, với sự tham gia của các cơ quan tham mưu của Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội..., qua đó tiếp tục xây dựng, nâng cao tiềm lực, sức mạnh trong mọi hoàn cảnh để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, Quân đội cần chủ động nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình; nghiên cứu thêm các vấn đề về hình thái chiến tranh, hợp tác quốc tế đa phương, phân tích những vấn đề, nội hàm mới trong bối cảnh hiện nay, trong đó quan tâm đến vấn đề về xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường sức mạnh của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao nhận thức xã hội trong bối cảnh có sự tác động của công nghệ, mạng xã hội...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần làm rõ những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, qua đó kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các chủ trương, đường lối, chiến lược có liên quan đến công tác quân sự, quốc phòng và một số lĩnh vực công tác khác thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.