Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Với những kết quả khả quan về sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều chỉ tiêu trong năm 2024.
TTXVN - Trong ba ngày (từ ngày 6 - 8/12), Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa XI) đã tổ chức Kỳ họp thứ 19 tập trung tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua một số Nghị quyết quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại Kỳ họp, với những kết quả khả quan về sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều chỉ tiêu trong năm 2024. Cụ thể: tăng GRDP đạt từ 8% - 8,5%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng từ 11,5% - 12,4%, dịch vụ tăng từ 9,5% - 10%, nông, lâm, thủy sản tăng từ 3% - 3,2%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương khẩn trương tập trung hoàn thiện trình cấp thẩm quyền ban hành các quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội…
Kỳ họp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành Thanh tra, Tòa án, Công an. Bên cạnh đó, Kỳ họp đã thảo luận và thông qua 25 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh.
Các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại. Cụ thể như: Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm vẫn còn chậm; kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11/2023 chỉ đạt 64,41% kế hoạch; sử dụng ngân sách, cân đối thu - chi chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng có tiền nhưng không có dự án để phân bổ (trước đây, dự án chờ tiền, nay tiền chờ dự án). Công tác lập, điều chỉnh các loại quy hoạch còn kéo dài, nhiều địa phương chưa lập xong quy hoạch phân khu, quy hoạch chung; khó khăn trong việc xác định giá đất để tính tiền giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, để bồi thường cho người dân khi giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tái định cư và triển khai các dự án vẫn chưa được tháo gỡ…
Năm 2023, Bình Thuận triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi như: Việc tổ chức các chuỗi sự kiện, hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2023, hai tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 8,1% (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.611 tỷ đồng; trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng hơn 11,6%. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 904 triệu USD. Thu ngân sách đạt 100% dự toán. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng (tăng 5,1% so với năm 2022).
Ngành Du lịch tỉnh trở thành điểm sáng nổi bật khi phục hồi và tăng trưởng nhanh, từ đó lan tỏa mạnh tới sự phát triển của nhóm ngành dịch vụ khác như: vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động vui chơi giải trí... Năm 2023, toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách (tăng 45,98% so với năm 2022); doanh thu đạt 22.300 tỷ đồng (tăng 63%). Bình Thuận là một trong 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt 95.480 tỷ đồng (tăng 28,57%).../.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- hội đồng nhân dân