Xã hội

Tết trồng cây 2024: Phát triển tỉnh Ninh Bình xanh, bền vững và hài hòa

Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và thông xe kỹ thuật tuyến đường Đồng Giao, tuyến đường Đông Tây (giai đoạn I) đoạn từ đầu tuyến đến nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 15/2, tại thành phố Tam Điệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và thông xe kỹ thuật tuyến đường Đồng Giao, tuyến đường Đông Tây (giai đoạn I) đoạn từ đầu tuyến đến nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Tại buổi Lễ, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, kế thừa và phát huy tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo riêng có, nhất là những giá trị truyền thống, văn hóa - lịch sử vùng đất, con người Cố đô cùng những thành tựu đã đạt được sau hơn 31 năm tái lập, Ninh Bình đã và đang tập trung, kiên định thực hiện phương thức phát triển “Xanh, bền vững và hài hòa”; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị văn minh, hiện đại với đặc trưng cốt lõi là “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Các đại biểu hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Cùng với đó, Ninh Bình luôn xác định trồng cây là việc làm rất quan trọng, mang lại lợi ích to lớn, gắn liền với quá trình phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã trồng được trên 3,2 triệu cây xanh và gần 1.200 ha rừng.

Cùng với phát động Tết trồng cây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình vui mừng, phấn khởi tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường Đồng Giao, tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn I) đoạn từ đầu tuyến đến nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tuyến đường thuộc Dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây (giai đoạn 1) từ thành phố Tam Điệp đến huyện Nho Quan có tổng chiều dài 22,9 km, tổng mức đầu tư trên 1.913 tỷ đồng.

Cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường Đông Tây (giai đoạn I). (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Việc tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, tạo kết nối trực tiếp và phát huy hiệu quả hệ thống giao thông phía Nam của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia, tạo cơ hội lớn để thu hút đầu tư, phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị văn minh hiện đại; thực hiện phong trào thi đua toàn quốc “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy và chính quyền các địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu tiếp tục tăng cường trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung triển khai thi công, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền giao trong năm 2024, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án Xây dựng tuyến đường Đông - Tây giai đoạn I cho chủ đầu tư tổ chức thi công, nhất là luôn quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách đối với những người dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng các dự án.

Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, tập trung nhân lực hoàn thiện dự án, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động và an toàn giao thông; phấn đấu hoàn thành, đưa tuyến đường vào khai thác, sử dụng trong năm 2024, trước một năm so với tiến độ dự kiến./.


Đức Phương

Xem thêm