Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên đã đầu tư gần 240 tỷ đồng cho chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
TTXVN-Thực hiện chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2025, hiện tỉnh Thái Nguyên đã đạt 17 bác sỹ/10.000 người dân, 51,5 giường bệnh/10.000 người dân, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 92 % dân số của tỉnh tham gia bảo hiểm y tế, hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe... Từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên đã đầu tư gần 240 tỷ đồng cho chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó nguồn ngân sách Trung ương trên 146 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 90 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác...
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, hiện nay hệ thống y tế dự phòng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã được củng cố và ngày càng hoàn thiện; công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện hiệu quả; công tác quản lý bệnh không lây nhiễm được tăng cường với 132 trạm y tế xã, chiếm khoảng 74% số trạm y tế trên địa bàn... Đặc biệt gần đây, Thái Nguyên đã phát triển mạnh y tế chuyên sâu, trở thành trung tâm về y tế cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Điển hình như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phát huy tốt vai trò của bệnh viện tuyến cuối với các trung tâm chuyên sâu, triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao; thực hiện tốt công tác nghiên cứu, đào tạo, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai một số kỹ thuật mới và chuyên sâu như hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF) tại Bệnh viện A Thái Nguyên; hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Gang Thép; kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương tại Bệnh viện C Thái Nguyên; kỹ thuật Phaco tại Bệnh viện Mắt... Ba bệnh viện tuyến tỉnh duy trì là bệnh viện vệ tinh cho 6 bệnh viện tuyến Trung ương, góp phần giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện Trung ương.
Cùng với các cơ sở y tế công lập, Thái Nguyên còn phát triển mạnh các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Hiện toàn tỉnh có gần 600 cơ sở y tế ngoài công lập; trong đó có 5 bệnh viện đa khoa, 15 phòng khám đa khoa, hơn 450 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế... Một số cơ sở y tế ngoài công lập như: Bệnh viện Quốc tế, Bệnh viện Yên Bình, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm... đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, góp phần tích cực vào công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết sau hơn 2 năm thực hiện chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2025, hiện hệ thống y tế của tỉnh Thái Nguyên đã được củng cố, tinh gọn và có bước phát triển, các dịch bệnh nguy hiểm được ngăn chặn, kiểm soát tốt. Các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ không những đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh mà còn phục vụ nhiều người dân khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Người dân có cơ hội tiếp cận, lựa chọn, thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tỉnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương...
Để hoàn thành các mục tiêu chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế, phối hợp y tế công - tư trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác đào tạo bác sỹ, kỹ thuật viên có tay nghề cao; nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng trong phòng, chống dịch bệnh, gắn đổi mới, củng cố, phát triển y tế cơ sở với nâng cao chất lượng dân số, chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, tăng cường các giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân../.