Tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
Từ khi gia nhập Công ước ICCPR, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực thi và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền dân sự và chính trị cho người dân, góp phần vào những thành tựu chung về quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao,
(TTXVN) Ngày 21/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Hội thảo do ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc Anđồng chủ trì.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ nhằm thực hiện Quyết định số 1252/QĐ- TTg ngày 26/9/2019 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Kế hoạch tăng cường thực thi Công ước quốc tế về các quyền đân sự - chính trị (Công ước ICCPR).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ cho biết, tiếp nối Hội thảo tại Lai Châu, đây là Hội thảo thứ 2 được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương khu vực Tây Nguyên tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Việc tổ chức Hội thảo lần này là rất cần thiết nhằm hoàn thiện Báo cáo quốc gia của Việt Nam; đồng thời, là bước chuẩn bị quan trọng cho Phiên bảo vệ báo cáo tại Hội đồng Nhân quyền năm 2023 – năm đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện trách nhiệm, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ, thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, đồng thời thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước ICCPR.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là một trong hai công ước quan trọng nhất về quyền con người và là một trong ba thành tố (cùng với Tuyên ngôn nhân quyền thế giới 1948 và Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) hợp thành Bộ Luật nhân quyền quốc tế.
Từ khi gia nhập Công ước ICCPR, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực thi và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền dân sự và chính trị cho người dân, góp phần vào những thành tựu chung về quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện ở sự tín nhiệm, bầu chọn Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong năm 2023, việc hoàn thiện dự thảo và bảo vệ Báo cáo thực thi Công ước ICCPR sẽ tiếp tục là một trong những công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền mong muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo Nhân quyền, trong đó có Bộ Tư pháp cũng như của Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), góp phần vào kết quả công tác chung của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền, thể hiện rõ sự nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã trình bày tham luận, nêu ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số, người nghèo… để cập nhật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), dự kiến sẽ trình Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc trong năm 2023./.