Xã hội

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024: Hà Nội phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Hà Nội

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng giám sát, phân tích nguy cơ; cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định.

Học sinh, sinh viên hồn nhiên ngồi ăn quán xiên nướng vỉa hè quanh khu vực trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. 
Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 – 15/5), lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại Thủ đô, phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt gần 4,5 tỷ đồng.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, các đoàn kiểm tra của quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại 724 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn, phát hiện 54 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính tổng số tiền 260 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy 1.880 kg thịt đông lạnh. Đặc biệt, tại địa chỉ số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, khi kiểm tra hàng hóa của cơ sở này, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở thừa nhận số hàng hóa trên được mua gom từ nhiều mối, đưa về tập kết tại kho để sơ chế, chia nhỏ thành dạng các túi bán cho người tiêu dùng. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hay tại địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), Công an thành phố cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất, thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng không có nguồn gốc, xuất xứ, được chủ cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường. “Vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, người kinh doanh vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm”, Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận cho biết.

Huyện Ba Vì là địa bàn có số lượng cơ sở thực phẩm lớn, đa số là cơ sở nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ nên khó khăn trong công tác quản lý. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện đã kiểm tra, giám sát 106 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở vi phạm, xử phạt 15 triệu đồng. Để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường, huyện Ba Vì đã huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát cộng đồng; phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời. Huyện tập trung xây dựng vùng sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm ở xã, thị trấn còn hạn chế do nhân sự phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao; không có cán bộ chuyên trách, kiến thức chuyên môn cao về an toàn thực phẩm trong chức danh công chức xã, thị trấn...

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, quận Tây Hồ đã kiểm tra 319 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 18 cơ sở vi phạm, xử phạt 58 triệu đồng. Trưởng Phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức, nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm dù đã được các phường quan tâm nhưng việc xử lý chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở; vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn còn diễn biến phức tạp; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý các cơ sở thực phẩm không an toàn. Quận Tây Hồ đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến quận, phường để công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn đi vào nền nếp.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với ngành Công Thương, Nông nghiệp giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, các địa phương cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại labo để đánh giá chất lượng thực phẩm, từ đó sớm đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các địa phương tiếp tục kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt đẩy mạnh quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp… để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra./.

Nguyễn Thị Tuyết Mai

Tin liên quan

Xem thêm