Thanh Hóa mong muốn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản; kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh.
TTXVN - Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 - đẩy mạnh hợp tác và phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh, do tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã diễn ra chiều 6/5.
Sự kiện có ý nghĩa thiết thực, nhằm gắn bó mật thiết hơn nữa mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản nói chung và với tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đồng thời cũng là dịp để Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, các lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, tỉnh đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản (Japan Desk Thanh Hóa) nhằm tăng cường thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản, kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh, đồng thời tiếp nhận thêm dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.
Để thu hút được nhiều dự án FDI từ Nhật Bản và các nước khác, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thanh Hóa cam kết “Luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”; cam kết giảm tối đa thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định.
Phát biểu tại Hội nghị, ngài Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ Nhật Bản cho rằng, Thanh Hóa là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, như Khu di tích lịch sử thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và bãi biển Sầm Sơn xinh đẹp. Hơn nữa, tỉnh còn có khu kinh tế Nghi Sơn có cảng biển hiện đại. Do vậy, có thể thấy Thanh Hóa còn nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế du lịch với Nhật Bản...
Ngài Nikai Toshihiro tin rằng các đại biểu sẽ đưa ra nhiều ý kiến thảo luận và trao đổi về triển vọng, những vấn đề phải đối mặt, cơ chế chính sách của hai nước... Hội nghị sẽ đánh dấu một bước phát triển mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam; đồng thời hy vọng đây cũng sẽ là cơ hội góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa.
Giám đốc phụ trách các dự án tại Việt Nam của Tập đoàn Idemitsu Kosan, ông Miki Jun cho biết, tại Việt Nam, Tập đoàn đã triển khai 8 dự án với 1.700 nhân viên từ các dự án khai thác mỏ khí đốt khu vực phía Nam đến dự án kinh doanh sản phẩm xăng dầu, chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu nhờn, sản xuất nhiên liệu viên gỗ nén, xây dựng nhà máy phát điện năng lượng mặt trời…Trong số đó, quy mô lớn nhất là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa.
Cũng tại Hội nghị lần này, nhằm “Đẩy mạnh hợp tác và phát triển bền vững hướng đến chiến lược tăng trưởng xanh”, Tập đoàn đưa ra mục tiêu tới năm 2030 sẽ giảm 46% lượng phát thải khí Co2 so với năm 2013. Tập đoàn đã công bố kế hoạch sẽ đưa các chính sách tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo và triển khai công nghệ xử lý bể chứa dưới lòng đất... nhằm tạo ra sự cân bằng năng lượng về lượng phát thải và lượng xử lý đối với Carbon trung tính.
Để đạt được mục tiêu này cần triển khai và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng hiện có và đưa công nghệ tiên tiến vào cơ sở sản xuất của các nhà máy lọc dầu. Từ đó mới có thể giảm nguyên liệu hóa thạch hướng đến nguồn năng lượng xanh.
Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 45,5 triệu USD. Từ năm 1992 đến năm 2022, Đại sứ quán Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục...Tỉnh Thanh Hóa có 13.346 tu nghiệp sinh sang làm việc tại các xí nghiệp của Nhật Bản, trong ngành nghề dệt, may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, chế biến, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng... Trong lĩnh vực du lịch, năm 2022, khách du lịch Nhật Bản đến Thanh Hóa đạt 53.000 lượt, chiếm 21,6% tổng lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu du lịch đạt 17,7 triệu USD, chiếm 24,7% tổng doanh thu từ khách du lịch quốc tế.
Nhật Bản có số dự án lớn nhất ở Việt Nam tại Thanh Hóa. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, một số dự án quy mô lớn đã đưa vào hoạt động, trở thành hạt nhân, tạo tác động lan tỏa trong tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng Bắc Bộ như: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ USD), Nhà máy xi măng Nghi Sơn (650 triệu USD), Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD) và nhiều dự án quan trọng khác.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thanh Hóa cũng khai mạc gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản./.