Xã hội

Thanh hoá tạo động lực phát triển kinh tế tập thể

Thanh Hóa

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá có nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, nòng cốt là các Hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá có 30ha trồng khoai tây, bí đỏ, bí xanh liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hiện nay thu nhập đạt 150 triệu đồng/năm/ha, cao gấp 2 lần so với trồng lúa. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá có nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, nòng cốt là các Hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, chủ động. Qua đó, các Hợp tác xã, tổ hợp tác có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện thêm nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá chuyên sản xuất các loại rau quả trong nhà kính.
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Vai trò của Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục được khẳng định là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Nhiều Hợp tác xã trong tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ để đưa ra thị trường những sản phẩm mới.

Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hoằng Đạt (Hoằng Hóa). Trải qua biết bao thăng trầm, song với sự quan tâm hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hợp tác xã đang từng bước phát triển một cách bền vững, tự tin phát triển mô hình cây ăn quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mỗi năm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đạt cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.opmart 100 tấn sản phẩm, đạt doanh thu khoảng 18 tỷ đồng.
 Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.930 tổ hợp tác, 1.266 Hợp tác xã (trong đó có 790 Hợp tác xã nông nghiệp, 158 Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 102 Hợp tác xã thương mại - dịch vụ) và 118 làng nghề hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho khoảng 192.000 lao động tại địa phương.

Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá có 175ha nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho hơn 200 lao động. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng Hợp tác xã trong top đầu cả nước. Các Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã, tiếp tục thể hiện được vai trò hỗ trợ tích cực, tạo mối liên kết, hợp tác, phát huy năng lực sản xuất đối với kinh tế thành viên, hộ thành viên. Các Hợp tác xã đã phát huy vai trò nòng cốt trong kinh doanh cũng như sản xuất nông sản hàng hóa, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa bảo đảm quyền lợi cho xã viên.

Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá mỗi năm cung cấp khoảng 2.000 tấn sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Bình quân mỗi năm toàn tỉnh thành lập mới hơn 50 Hợp tác xã, kết nạp mới gần 2.000 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông - vận tải... với thu nhập bình quân đạt hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.236 Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại và đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chiếm 97,62% tổng số Hợp tác xã.

Làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá, sản xuất các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng..., làng nghề tạo việc làm cho 1.200 hộ dân với khoảng 2.500 lao động.
 Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Để kinh tế tập thể, Hợp tác xã của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiết thực tạo động lực phát triển các đơn vị kinh tế tập thể cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh nhân rộng các mô hình Hợp tác xã điển hình tiên tiến, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn... tạo điều kiện để kinh tế, Hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững.

Tin liên quan

Xem thêm