Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp giảm các điểm ngập trong năm 2024
Nhiều năm qua, tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục tái diễn, trở thành nỗi “ám ảnh” của người dân,
TTXVN - Nhiều năm qua, tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục tái diễn, trở thành nỗi “ám ảnh” của người dân mỗi khi mùa mưa đến, với vô vàn các biện pháp tháo gỡ nhưng vẫn chưa mang lại kết quả triệt để. Những ngày gần đây, tình trạng đường ngập nước do mưa lớn lại bắt đầu xuất hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ sau vài trận mưa đầu mùa. Người dân mong mỏi những giải pháp triệt để đến từ cơ quan chức năng để sớm chấm dứt “điệp khúc” hễ mưa là ngập của Thành phố.
Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức vào chiều 9/5, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Lý Thanh Long đã thông tin về định hướng, kế hoạch thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải của Thành phố giai đoạn 2024-2025.
Theo ông Lý Thanh Long, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức); Nguyễn Văn Khối - Cây Trâm, Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp); Phan Anh (quận Tân Phú); Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) và Bạch Đằng (quận Bình Thạnh). Ngoài ra, Thành phố còn 5 tuyến đường trục chính ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2024-2025. Trong giai đoạn này, các đơn vị tập trung cho loạt dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét, chỉnh trang khơi thông các trục tiêu thoát nước trên địa bàn. Thành phố đề ra chỉ tiêu giải quyết ngập do mưa đối với 13 tuyến đường, khắc phục tình trạng ngập do triều cường tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; nâng công suất xử lý nước thải để đáp ứng nhu cầu.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi công 3 dự án giải quyết ngập do mưa tại quận Gò Vấp gồm: Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến đường Chợ Cầu) và Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến đường Cầu Cụt). Đồng thời, UBND Thành phố chuẩn bị đầu tư 7 dự án gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng; Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức; Nạo vét trục thoát nước Rạch Bà Lớn; Nạo vét cải tạo Rạch Bàu Trâu; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng; Cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A; Xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ giải quyết được 4/13 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa.
Đối với các tuyến đường bị ngập do triều cường tại Quận 7, hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Đồng thời, Thành phố sẽ hoàn thiện Dự án bờ tả sông Sài Gòn để giải quyết ngập cho tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức). Khi các dự án được đưa vào vận hành sẽ giải quyết được 5/5 tuyến đường ngập do triều cường trên địa bàn Thành phố.
Trong lúc chờ các dự án triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai 5 nhóm giải pháp chủ yếu trên cơ sở ban hành tại Quyết định số 3272/QĐ-UBND ngày 8/9/2021, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, Thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập; rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập. Thành phố ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
Trong giai đoạn trước mắt, nhằm đảm bảo công tác thoát nước, hệ thống thông thoáng, góp phần xóa, giảm ngập trong thời gian chờ các dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng, Sở Xây dựng Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố thực hiện duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả, lắp đặt bổ sung cống, lắp đặt cửa thu nước kiểu mới để tăng cường khả năng thoát nước. Sở tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều cường đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều cường tràn bờ gây ngập. Sở phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều cường, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước; xây dựng phương án để tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật và Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố sẽ phối hợp, thống nhất các phương án điều tiết giao thông tại những điểm có khả năng ngập nặng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các phương tiện lưu thông trên đường và người dân tại khu vực ngập nặng; phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước không lấp, bít và bỏ rác thải tại các miệng thu nước để đảm bảo khả năng thoát nước, không xả rác và chất thải rắn xuống lòng các tuyến kênh, rạch phục vụ thoát nước. Trung tâm tăng cường kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp, chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước; kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi có mưa lớn như: Trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa./.