Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chiến lược phòng, chống ung thư trong giai đoạn mới
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, tiêm ngừa vaccine… trong phòng ngừa ung thư nhằm tăng tỷ lệ tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý ung thư trong cộng đồng.
TTXVN - Trước tình hình số ca mắc và tử vong do ung thư có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chiến lược phòng, chống ung thư trong giai đoạn mới; trong đó, chú trọng triển khai rộng khắp các hoạt động tầm soát trong cộng đồng và huy động các nguồn lực xã hội phát triển, hoàn thiện mạng lưới điều trị ung thư từ tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Chiến lược phòng, chống ung thư trong những năm tới bao gồm các giải pháp cụ thể như: Chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vaccine… trong phòng ngừa ung thư; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý ung thư trong cộng đồng bao gồm cả chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm của WHO tại tuyến y tế cơ sở và nghiên cứu triển khai Trung tâm tầm soát và phát hiện sớm ung thư bằng công nghệ cao (mô hình Ningen dock của Nhật Bản).
Sở Y tế cũng không ngừng xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối; xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng. Sở tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong công tác báo cáo, giám sát các trường hợp bệnh nhằm quản lý dữ liệu bệnh nhân ung thư, từng bước hình thành bản đồ điều trị ung thư tại Thành phố; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ung thư.
Để triển khai hiệu quả chiến lược đề ra, Sở Y tế kiến nghị, UBND Thành phố cho phép chủ trương xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ ung thư trong cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người dân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư. Bên cạnh đó, địa phương có chính sách khuyến khích các bệnh viện đa khoa tư nhân phát triển chuyên khoa ung thư và huy động nguồn lực xã hội xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh bằng công nghệ cao, giúp phát hiện sớm bệnh và các bệnh nguy hiểm khác ngay từ khi chưa có triệu chứng.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, Việt Nam là một trong những nước thuộc nhóm có tỷ lệ mắc ung thư cao (97,3 - 111,9/100.000 dân). Năm 2020, tại Việt Nam ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư; trung bình cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. So với năm 2018, tỷ lệ mắc ung thư mới tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể (do Bệnh viện Ung bướu làm đầu mối), số trường hợp ung thư trong năm 2017 đã đến con số trên 11.000 người; trong đó nam giới là 5.014, nữ giới là 6.278.
Bên cạnh tình trạng quá tải người bệnh gia tăng tại các bệnh viện tuyến cuối, công tác phòng, chống ung thư trên địa bàn Thành phố thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả do còn nhiều khó khăn như đa phần người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do các hoạt động tầm soát, phát hiện sớm ung thư còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực đầu tư, chưa thực hiện rộng rãi trong cộng đồng; năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư không đồng đều giữa các tuyến chuyên môn.
Ung thư là bệnh lý phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị theo từng giai đoạn của bệnh trong khi năng lực tại các bệnh viện không đồng đều dẫn đến bệnh nhân có xu hướng tập trung về tuyến cuối, gây quá tải và kéo dài thời gian chờ điều trị. Hoạt động chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chủ yếu vẫn diễn ra tại các cơ sở y tế tuyến trên; việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho chăm sóc giảm nhẹ tại tuyến y tế cơ sở, nhất là thuốc giảm đau morphine dùng trong ung thư còn gặp nhiều khó khăn./.