Còn hạn chế trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần từ cộng đồng đến cơ sở chuyên khoa.
TTXVN - “Số bác sĩ, giường bệnh điều trị các bệnh lý tâm thần của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,07/1.000 dân, thấp hơn so với trung bình chung của cả nước. Mặc dù số lượng người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ngày càng tăng, nhất là sau giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát nhưng công tác chăm sóc, điều trị chưa đáp ứng nhu cầu”. Thông tin được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề cập trong tờ trình đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt "Chiến lược Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo".
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có khoảng 15 triệu người bị mắc các rối loạn tâm thần, tương đương 14,9% dân số; trong đó, tâm thần phân liệt chiếm 0,47%; trầm cảm, lo âu chiếm từ 5-6% dân số; còn lại là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy, chất gây nghiện khác. Một khảo sát về dịch tễ học ở 10 tỉnh, thành (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, tỷ lệ vấn đề tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, nghĩa là hơn 3 triệu trẻ em cần được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, Bệnh viện Tâm thần Thành phố tiếp nhận từ 800 - 1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương gần 36% và 25%. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần từ cộng đồng đến cơ sở chuyên khoa gồm: 310 trạm y tế xã, phường, các phòng khám ngoại trú, các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị người lớn và trẻ nhỏ có vấn đề về sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa). Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhân lực ngành tâm thần chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, đội ngũ bác sĩ tâm thần, chuyên viên trị liệu tâm lý (học đường, lâm sàng, nghề nghiệp) còn ở mức thấp cả về số lượng và chất lượng. Số bác sĩ tâm thần, giường bệnh tâm thần của Thành phố Hồ Chí Minh thấp so với cả nước, chỉ đạt 0,07/1.000 dân. Các cơ sở y tế có khám chữa bệnh tâm thần xuống cấp, không thể đáp ứng được số lượng bệnh ngày càng cao. Các bệnh viện đa khoa và trường học chưa có phòng khám tâm thần, tham vấn tâm lý để sàng lọc sớm, điều trị kịp thời các vấn đề tâm thần.
Bên cạnh đó, do số lượng người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày một tăng khiến các cơ sở ngày càng quá tải. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hàng triệu người. Nhiều người bị rối loạn tâm thần chưa tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống trị liệu. Vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với các rối loạn tâm thần, dẫn đến tâm lý e ngại để đi khám và điều trị kịp thời.
Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND Thành phố phê duyệt "Chiến lược y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo". Trong đó, thành phố có chiến lược dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng cho các đối tượng: học sinh, bà mẹ giai đoạn mang thai và hậu sản, nhân viên y tế, người lao động, những người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ, người cao tuổi…). Cùng với đó là nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần tại các cơ sở y tế bằng cách cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, bổ sung, tập huấn nhân sự; thành lập các đơn vị phục hồi chức năng tâm thần tại các trung tâm y tế quận, huyện.../.