Hậu Giang kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
TTXVN - "Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" là chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 do Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang đã phát động sáng 12/4.
Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 với các hoạt động trọng tâm như: Chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm (hoạt động truyền thông sẽ được triển khai với hình thức đa dạng); biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình, chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật. Các đơn vị chuyên môn, tổ chức chính trị, xã hội sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền, vận động người dân tham gia tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn đến các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm sẽ được tăng cường với nhiều đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tỉnh đến huyện, xã. Tỉnh kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm, qua đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cho biết, hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường, đạt hiệu quả cao; huy động được các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên.
Bà Hồ Thu Ánh đề nghị, trong thời gian diễn ra Tháng hành động, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức các đợt sinh hoạt cộng đồng nâng cao kỹ năng để người dân sản xuất thực phẩm an toàn; tập trung tuyên truyền hướng dẫn để thay đổi hành vi, thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện "không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia, hóa chất thực phẩm không có trong danh mục và bị cấm". 100% các vụ vi phạm về vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc được xử lý đúng quy định pháp luật.
Địa phương đảm bảo các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người thực hiện ký cam kết chấp hành đầy đủ và thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngành Y tế phối hợp các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc các cấp, đoàn thể, trường học, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn thực phẩm đến người dân. Các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở thực phẩm thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển vùng và hộ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn; tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm về vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm trái pháp luật./.
- Từ khóa:
- Hậu Giang
- hành động vì an toàn thực phẩm