Kết quả việc thu hồi tài sản bất minh là chỉ dấu về sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chống tham nhũng mạnh mà thu hồi tài sản tham nhũng được ít thì chỉ mới đạt một nửa thành công.
TTTXVN - Văn phòng Chính phủ ngày 10/4/2023 đã ban hành văn bản số 2969/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; yêu cầu khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác thu hồi tài sản bất minh.
Chống tham nhũng phải gắn với thu hồi tài sản bất minh
Tại họp phiên thứ 23 (tháng 1/2023), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận định: Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).
Theo Bộ Tư pháp, trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, còn bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 26%. Đến năm 2022, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng (tăng gần 12.000 tỷ đồng) so với năm 2021.
Như vậy, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Việc thu hồi tài sản bất minh là chỉ dấu về sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chống tham nhũng mạnh mà thu hồi tài sản tham nhũng được ít thì chỉ mới đạt một nửa thành công và chưa tạo ra niềm tin trong nhân dân.
Hiện tại, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong đa số các vụ án tham nhũng có tăng, nhưng còn thấp so với số tiền phải thu hồi. Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bổ sung các quy định pháp luật mới
Để khắc chế những thiếu sót trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, theo Thạc sỹ Bùi Thị Thu Huyền (Ban Nội chính Trung ương), cần nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản của các cá nhân liên quan đến sai phạm về kinh tế, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Quy định linh hoạt thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên; quy định nội dung chứng minh “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt là bắt buộc phải chứng minh trong vụ án hình sự; cấm các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho tài sản kể từ khi có quyết định bị thanh tra, kiểm tra, khởi tố. Xây dựng thủ tục đặc biệt để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng bổ sung quy định cơ chế thi hành án đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định thẩm quyền của thanh tra viên, kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu có căn cứ xác định dấu hiệu tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại có liên quan đến người bị thanh tra, kiểm tra.
Kinh nghiệm mới trên thế giới
Thông thường có bốn phương thức thu hồi tài sản: Thông qua hình thức kết án; không qua hình thức kết tội; thông qua thủ tục hành chính; thông qua thủ tục dân sự.
Thu hồi tài sản thông qua hình thức kết án là biện pháp phổ biến nhất và được hầu hết các quốc gia sử dụng. Hạn chế của biện pháp này là có thể tồn tại những rào cản đáng kể cản trở việc kết án hình sự và tịch thu tài sản, chẳng hạn như không đủ bằng chứng, thiếu thời hạn (thời hiệu) hay có thể do thủ phạm đã chết, bỏ trốn, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được tuyên trắng án do không đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội tham nhũng.
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Đây là giải pháp nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các vấn đề bất cập của thực tiễn do gặp khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.
Đây là cách tiếp cận mới và được một số quốc gia áp dụng thành công.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) là cơ quan “siêu quyền lực” trong công tác chống tham nhũng, được Quốc hội khóa XIII bỏ phiếu thông qua vào năm 2018, chịu sự giám sát duy nhất từ Quốc hội.
Trung Quốc không chỉ sửa đổi Hiến pháp mà còn sửa đổi Luật Hình sự và Luật Giám sát để phù hợp với chức năng đặc biệt của “siêu ủy ban”. Theo đó, liên quan đến hình thức tự nguyện hoàn trả tài sản tham nhũng, Điều 383 của Bộ luật Hình sự sửa đổi của Trung Quốc quy định: “Trước khi bị khởi tố, bất kỳ ai phạm tội tham nhũng nếu thành khẩn khai nhận và chủ động trả lại tài sản bất minh sẽ được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án”.
Trung Quốc còn sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự, bổ sung thêm các thủ tục tịch thu tài sản đặc biệt trong trường hợp nghi phạm hoặc bị cáo bỏ trốn hay qua đời. Viện Kiểm sát có quyền đưa đơn ra tòa án để xử lý tài sản của người đó.
Tại Thụy Sĩ, việc thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính liên quan đến một cơ chế tắt để tịch thu tài sản được sử dụng hoặc liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội đã bị thu giữ trong quá trình điều tra. Việc thu hồi do một điều tra viên hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Quá trình tịch thu được áp dụng sau khi có thông báo về sự rủi ro gửi đến chủ sở hữu tài sản và đã có thông báo công khai về khả năng tịch thu tài sản.
Theo Luật sư Lê Minh Trung (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), để nước ta áp dụng mô hình như của Thụy Sĩ thì cần bổ sung quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về trình tự, thủ tục điều tra tài chính từ giai đoạn xác minh tài sản bị nghi ngờ; truy tìm tài sản; sử dụng các biện pháp tạm thời như phong tỏa, thu giữ tài sản ngay giai đoạn điều tra (như kinh nghiệm của nước Anh) để tránh tẩu tán tài sản; thực hiện các biện pháp tịch thu tài sản; chứng minh hành vi tham nhũng.
Cần bổ sung quy định tại Mục 6, Chương 2, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 nội dung: “Những người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng phải chứng minh nguồn gốc tài sản”; bổ sung thủ tục về việc tịch thu tài sản trong trường hợp người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc tài sản.
Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), đề xuất: Cần nghiên cứu sửa đổi nội dung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự để phù hợp với tình hình mới theo hướng phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên cần linh hoạt./.