Trong tương lai, Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ phát triển theo hướng khu kinh tế biển tổng hợp, đa ngành, đa năng với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển;
TTXVN - Tỉnh Phú Yên đang hoàn chỉnh Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 để trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Khu kinh tế Nam Phú Yên có phạm vi điều chỉnh quy hoạch khoảng 20.730ha. Trong tương lai, Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ phát triển theo hướng khu kinh tế biển tổng hợp, đa ngành, đa năng với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển; trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực, tạo điểm bứt phá về kinh tế-xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sau đây, phóng viên TTXVN có trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên liên quan đến nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông! mặc dù có nhiều lợi thế song nguyên nhân vì sao các Khu kinh tế của tỉnh Phú Yên vẫn chưa phát triển được tương xứng với tiềm năng?”
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên: Tỉnh Phú Yên xác định phát triển kinh tế biển có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025), Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, đã xác định: Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với Khu kinh tế Vân Phong tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, là động lực thu hút đầu tư của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã và đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên nhất là Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc. Đến nay, đã có một số nhà đầu tư lớn quan tâm, tiếp cận nghiên cứu đầu tư tại các khu vực này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng thu hút đầu tư còn một số mặt khó khăn, hạn chế như: (1) đa số các dự án đầu tư trong khu công nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ mới còn hạn chế. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư. (2) Chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, mang tính động lực, lan tỏa tại Khu kinh tế Nam Phú Yên làm đầu tàu dẫn dắt các dự án khác phát triển. Số lượng dự án FDI đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. (3) Cảng biển nước sâu (Bãi Gốc) chưa được đầu tư để làm nơi xuất khẩu hàng hóa và là trung tâm logistics cho Khu kinh tế và các Khu công nghiệp của tỉnh. (4) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trong Khu kinh tế đã được đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ cho việc thu hút các nhà đầu tư lớn. (5) Với tình hình dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian vừa qua đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động…
Phóng viên: Thời gian đến Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên đề ra những giải pháp nào để phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực, tạo điểm bứt phá về kinh tế-xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên?
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên: Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế xác định các giải pháp để phát triển trong thời gian đến như sau:
Một là, sau khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức công bố đồ án quy hoạch và tổ chức rà soát, lập Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghê thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút đầu tư.
Ba là, tập trung thu hút đầu tư các dự án động lực, tạo tác động lan tỏa, như: Hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu công nghiệp Công nghệ cao, Cảng Bãi Gốc; Dự án Gang thép, Dự án Lọc dầu,...
Bốn là, tăng cường liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng và các địa phương ven biển, trong đó: kết nối Khu kinh tế Nam Phú Yên với Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và kết nối cảng nước sâu Bãi Gốc với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Năm là, phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường dạy nghề đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, Nhà đầu tư.
Phóng viên: Ông có nhìn nhận như thế nào về việc đầu tư hạ tầng logistic hiện nay? Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên kiến nghị những gì để phát triển và khai thác khu kinh tế - cảng biển hiệu quả?
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên: Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 01/7/2021 về phát triển dịch vụ logictics đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu là phát triển dịch vụ logistics để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng và từng bước hoàn thiện hạ tầng về cảng biển, kho bãi, giao thông vận tải, thông tin, các trung tâm logistics; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics một cách đồng bộ, hợp lý.
Tỉnh Phú Yên ưu tiên bố trí dịch vụ hậu cần logistics phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm: hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường…
Về đầu tư hạ tầng logistics: sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng mới trong logistics; xây dựng các trung tâm logistics tại khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả tính kết nối giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; đầu tư xây dựng, nâng cấp Cảng tổng hợp Vũng rô đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị, Chương trình số 28-Ctr/TU ngày 30/6/2023 Tỉnh ủy Phú Yên và Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 10/8/2023 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, theo đó đã đề ra nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 sẽ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ vận tải biển, logistics tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc. Phát triển trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, đưa Phú Yên trở thành một trong những trung tâm logistics của tiểu vùng Nam Trung Bộ./.
- Từ khóa:
- Khu kinh tế Nam Phú Yên
- phát triển
- đời sống
- xã hội