Các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban, ngành, địa phương cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội ..
TTXVN - Chiều 13/6, Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức tọa đàm "Mạng xã hội - cơ hội, thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; phân tích các cơ hội, thách thức, tác động của mạng xã hội , giải pháp nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia mạng xã hội và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Các đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên sử dụng, khai thác mạng xã hội hiệu quả, lành mạnh, thiết thực, đúng quy định của pháp luật; tích cực chủ động đấu tranh chống các thông tin sai trái, phản động, bịa đặt trên mạng xã hội; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả trên không gian mạng...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến chia sẻ, xác định việc tham gia mạng xã hội rất phức tạp, mỗi người cần lưu ý, tự nhắc nhở mình "5 Không" (Không tin ngay, Không vội đăng tải, Không thêm bớt, Không vội chia sẻ, Không bị kích động và xúi giục) để tham gia mạng xã hội được tốt hơn; góp phần xây dựng môi trường internet, mạng xã hội an toàn, văn minh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre nói thêm, việc phát triển mạng xã hội cần phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng để mạng xã hội thực sự có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất. Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực phản động, thù địch trên mạng xã hội, các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban, ngành, địa phương cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ những tác động tích cực, tiêu cực của internet, mạng xã hội và thể hiện trách nhiệm của mình trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xác định rõ công tác này là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị chứ không riêng của các ngành chuyên môn.
Mặt khác, cần kịp thời cung cấp thông tin, định hưởng tư tưởng, dư luận xã hội trước các sự kiện, vấn đề nảy sinh, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội phải thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình công tác, cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cách sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện và là kênh hữu ích trong mọi hoạt động của đời sống. Đa dạng các hình thức thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức như hội thi, diễn đàn, sân chơi trên không gian mạng đặc biệt là bắt kịp những trào lưu, xu hướng dành cho giới trẻ, vì giới trẻ chiếm phần đông dân số và cũng là lực lượng tham gia mạng xã hội nhiều nhất hiện nay.
Ngoài ra, từng cán bộ, đảng viên làm tốt công tác dân vận trên không gian mạng như phổ biến, tuyên truyền trong gia đình, người thân, bạn bè và nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng "không gian mạng lành mạnh từ cơ sở", xây dựng và nhân rộng nhiều điển hình, mô hình "Dân vận khéo" trên không gian mạng.
Đồng thời, tăng cường các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật nghiêm khắc, có tính răn đe cao hơn đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội có chủ đích, tác động lớn đến xã hội, làm xói mòn giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc./.
- Từ khóa:
- Bến Tre
- 5 không
- mạng xã hội
- an toàn
- văn minh