Khoa học

Thương hiệu, nhãn hiệu tập thể – “Đòn bẩy” thúc đẩy giá trị nông sản

TP. Hồ Chí Minh

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, gia tăng giá trị, tạo dựng uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản.

TTXVN-Theo các chuyên gia, để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua bảo hộ, chỉ dẫn địa lý là giải pháp quan trọng. Cùng với đó, việc xây dựng nhãn hiệu uy tín sẽ giúp doanh nghiệp có vị thế vững chắc trên thị trường và việc mở rộng, kết nối thị trường tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.

Thu hoạch tôm ở Kiên Giang. (Ảnh Lê Huy Hải/TTXVN)

* Thúc đẩy sở hữu trí tuệ, phát triển nhãn hiệu

Nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai sâu rộng giải pháp hỗ trợ sở hữu trí tuệ, phát triển nhãn hiệu tập thể nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho hàng nông sản, đặc sản...

Theo ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu mang trong nó các yếu tố từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến tập quán, truyền thống lịch sử và hiện tại, được chuyển tải đến người tiêu dùng, công chúng thông qua truyền thông, được ưa chuộng bằng niềm tin giá trị, bằng các cam kết về uy tín, chất lượng.

Thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, gia tăng giá trị, tạo dựng uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản. Các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long như nước mắm Phú Quốc đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ.

Điển hình, Kiên Giang là địa phương đi đầu về xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Mỗi sản phẩm đều có nhãn hiệu kèm địa danh được coi là dấu hiệu đảm bảo về mặt chất lượng cho người tiêu dùng. Danh tiếng về sản phẩm từ địa danh dần được hình thành, khẳng định theo thời gian, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.

Khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, Kiên Giang ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, sức lan tỏa được quy hoạch vùng nguyên liệu đã xác định trong Đề án tái cơ cấu kinh tế như: Tôm, cua, trái cây các loại, khoai các loại, lúa chất lượng cao; cá bớp Kiên Hải; khóm tắc Cậu, khóm Ba Đình, khóm Gò Quao và hồ tiêu.

Tại Cần Thơ, UBND thành phố phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ khảo sát, chọn lựa sản phẩm, chủ thể sở hữu để tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký, tra cứu thông tin, hỗ trợ theo dõi quá trình xử lý đơn cho đến khi sản phẩm được cấp văn bằng; hỗ trợ nội dung quản lý, phát triển nhãn hiệu sau khi xác lập quyền.

Trung bình hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang hướng dẫn cho khoảng 30 tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu trí tuệ là nhãn hiệu. Đến nay, toàn tỉnh có 267 hợp tác xã, trong đó hơn 15 hợp tác xã đã được hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu như: Hợp tác xã Mỹ Phong, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Trung, Hợp tác xã Rau an toàn Gò Công…

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang Nguyễn Tuấn Phong, đa số hợp tác xã đều có tên địa danh nơi đăng ký thành lập và muốn sử dụng tên của hợp tác xã để đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, địa danh chỉ được sử dụng để đăng ký nhãn hiệu dùng chung (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) cho các thành viên của một tổ chức tập thể với sản phẩm đặc sản, đặc trưng và thủ tục để xây dựng nhãn hiệu mang địa danh khá phức tạp.

Thực tế, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên cũng có đơn vị chưa chú trọng việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa nên đã xảy ra tình trạng trùng nhãn hiệu hoặc lợi dụng nhãn hiệu uy tín để thu lợi bất chính. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ bảo vệ doanh nghiệp mà còn đảm bảo quyền lợi trong hoạt động lưu thông, chào bán, xuất nhập khẩu hàng hóa…

Mỗi khi thu hoạch khóm nông dân phải dùng xuồng di chuyển trong những con kênh rạch trong vườn. (Ảnh: Sơn Nghĩa/TTXVN)

* Gia tăng giá trị từ sở hữu trí tuệ

Liên quan đến xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu ở Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước, đại diện Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết giai đoạn năm 2018-2022, toàn vùng có gần 9.870 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trên 5.800 văn bằng (nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý... ) được cấp.

Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc sản địa phương tiếp tục được duy trì, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đạt hiệu quả cao hơn, góp phần phát triển bền vững các thương hiệu, cần nhiều giải pháp đồng bộ của các ngành, địa phương cũng như chính các chủ thể sở hữu thương hiệu.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để xây dựng thành công các thương hiệu trước hết phải bắt đầu từ sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đây là yếu tố căn bản, nếu không có sẽ không thể tạo được hình ảnh tốt đẹp cho thương hiệu trên thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng và vận hành hệ thống quản trị nhãn hiệu của doanh nghiệp bao gồm kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu; kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong chuỗi liên kết; kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; quy chế sử dụng nhãn hiệu sản phẩm nông sản... Quy trình này sẽ góp phần đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao nhất đến người tiêu dùng.

Để phát triển bền vững nhãn hiệu tập thể, trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tranh thủ kinh phí hỗ trợ từ các dự án của Trung ương và địa phương cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tỉnh hợp tác, có sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước để giúp đỡ các hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình tiêu thụ hàng hóa trong nước, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Cần Thơ cho biết, từ nay đến năm 2030, hoạt động sở hữu trí tuệ ở đây sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Chiến lược Sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ cùng các thương hiệu: Bánh tráng Thuận Hưng; du lịch cộng đồng Cồn Sơn; mãng cầu Thới Hưng…

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang Nguyễn Tuấn Phong, sắp tới Sở sẽ phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn tuyên truyền về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu cho các hợp tác xã. Đồng thời triển khai các nhiệm vụ về xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chủ lực mang tên địa danh và ưu tiên hợp tác xã sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và thực thi về bảo hộ nhãn hiệu. Đồng thời, các địa phương cần sự phối kết hợp chặt chẽ phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông sản với Chương trình mỗi xã một sản phẩm để đảm bảo giá trị, lợi ích cộng đồng đối với các nhãn hiệu được bảo hộ./.

PV

Xem thêm