Nhiều doanh nghiệp tỉnh Nghệ An thiếu đơn hàng trầm trọng, phải giảm thời gian sản xuất, giảm thu nhập, thậm chí dừng tuyển dụng.
(TTXVN) Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị thiếu đơn hàng trầm trọng, phải giảm thời gian sản xuất, giảm thu nhập, cắt giảm lao động, thậm chí dừng tuyển dụng.
* Nhu cầu lao động giảm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng
Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân một nhà máy may tại Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết, một tháng nay, do công ty thiếu đơn hàng nên chị không có việc làm, phải tạm nghỉ. Theo thông báo của đơn vị, chị sẽ nghỉ việc không lương cho đến khi có đơn hàng mới. Những công nhân thuộc diện không bị cắt giảm cũng chỉ đi làm giờ hành chính, không được tăng ca. Tình trạng thiếu đơn hàng không phải chỉ xảy ra ở mỗi doanh nghiệp chị làm.
Nhiều tháng gần đây, đơn hàng của Công ty cổ phần May Minh Anh-Kim Liên sụt giảm mạnh, chỉ còn 70% kể từ quý III/2022. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp chủ động chuyển đổi đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường nội địa. Ngoài ra, để tiếp tục giữ hoạt động sản xuất, công ty phải thực hiện các biện pháp tình thế như giảm giờ làm, giãn việc... Hơn 3.000 công nhân chấp nhận thu nhập giảm từ 10-15%, cùng doanh nghiệp vượt khó.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Minh Anh - Kim Liên cho hay, vài tháng nay, đơn hàng bị giảm nên đơn vị phải sắp xếp nghỉ ngày làm việc thứ Bảy. Ban Giám đốc Công ty đang cố gắng để công nhân có việc làm, hưởng lương cơ bản, không sa thải hay cắt giảm vì khi phục hồi trở lại sẽ khó tuyển được lao động. Do tình hình khó khăn chung, Công ty đã linh động mở ra ngành hàng phục vụ thị trường nội địa như thành lập các chuỗi cửa hàng ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng…; mở rộng thị trường nội địa nhằm tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động...
Không chỉ trong lĩnh vực may mặc, các lĩnh vực khác như xuất khẩu đá chế biến, gỗ viên nén, linh kiện điện tử... cũng chung tình trạng này. Để giảm tối đa tác động, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, cắt giảm chi phí không cần thiết, tăng năng suất lao động, chủ động liên kết tìm kiếm khách hàng, tìm cơ hội gia tăng đơn hàng.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn SangWoo Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP), hiện các đơn hàng lớn bị cắt giảm số lượng, thay vào đó là các đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đồng nghĩa lượng công việc giảm. Trước tình thế đó, doanh nghiệp đã và đang tiến hành cắt giảm nhân sự có kế hoạch ở các vị trí dư lao động và tiến hành luân chuyển lao động có tay nghề phù hợp ở các bộ phận.
Là một trong những doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Nga - Ukraine, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Innovative Manufacturing Solutions Vietnam (Khu công nghiệp VSIP) đang gặp vấn đề về xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cụ thể là hàng hóa sản xuất ra không xuất đi được, đơn hàng bị cắt giảm, doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng. Một tháng nay, Công ty thực hiện làm việc 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy; thời gian tới có thể phải bố trí, sắp xếp cho người lao động nghỉ luân phiên. Theo lãnh đạo Công ty, từ nay đến ra Tết Nguyên đán, Công ty không có nhu cầu tuyển dụng mới lao động.
* Vừa giữ chân lao động vừa tìm kiếm đơn hàng mới
Theo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, từ trung tuần tháng 11/2022, đơn vị đã tiến hành khảo sát 11 doanh nghiệp với 21.756 lao động. Kết quả, 4/11 doanh nghiệp có đơn hàng giảm, một số doanh nghiệp bố trí giảm giờ làm (nghỉ thứ Bảy) nhưng không cắt giảm lao động; 3/11 doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động với 580 người, chiếm 2,66%. Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matrix Vinh xây dựng kế hoạch cắt giảm 92% số lao động hiện có (410/447 lao động).
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều công ty dệt may phải giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng, đối mặt với nhiều khó khăn. Từ quý IV/2021 đến hết tháng 7/2022, đơn hàng nhiều do nhu cầu tăng sau dịch. Tuy nhiên do lạm phát tăng cao, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nhiều đến chi phí logistics, nguyên vật liệu. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga chiếm tỷ trọng 90 - 95% trong khu vực. Sau xung đột, hàng dệt may Việt Nam vào nước này âm 40-42% so với năm trước. Doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như giá dầu thế giới tăng cao; giá đồng USD tăng mạnh; lãi suất ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành chế biến gỗ, giày da, dệt may... 3 tháng cuối năm 2022 đang thiếu đơn hàng, thậm chí cả đơn hàng cho năm 2023 cũng bấp bênh. Vì vậy, tình trạng dôi dư lao động tại các nhà máy đang diễn ra khá nhiều.
Trước tình trạng trên, bài toán các doanh nghiệp đang phải đối mặt là nếu cho lao động nghỉ vào thời điểm này thì khi có đơn hàng lại không tuyển được nhân công. Bởi vậy, doanh nghiệp đang vừa phải giữ nguồn lao động vừa phải tìm kiếm đơn hàng. Bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ, chia sẻ trong việc giãn, hoãn thuế cũng như cơ cấu lại các khoản vay từ các tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động. Nhà nước cần mở rộng thông tin về các thị trường cho doanh nghiệp, khai thông những bế tắc trong chuỗi cung ứng để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động ổn định và chăm lo cho lao động.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị tập trung tuyên truyền cho người lao động về tình hình khó khăn cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để cùng chia sẻ với các công ty. Liên đoàn cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động mới, những công việc mới phù hợp trình độ tay nghề để người lao động có thêm chọn lựa, không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Theo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, song song với tình trạng người lao động phải giãn việc làm ở một số lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam cũng có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 4.000 lao động trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Trong đó có một số công ty có quy mô tuyển dụng lớn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Woosin Vina dự kiến tuyển 300 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Nam Matsuoka tuyển 300 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshare - ICT Nghệ An dự kiến tuyển 3.000 lao động và từ nay đến Tết mỗi tháng tuyển 100 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Frescol Tuna Việt Nam tuyển 500 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Masan MB ứng tuyển 200 lao động… Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong những khu công nghiệp trên cơ bản tuyển dụng nguồn lao động phổ thông với tỷ lệ chiếm khoảng 80%, trong đó lao động nữ chiếm hơn 70%. Các ngành nghề chính là điện tử, linh kiện xe, thực phẩm, vật liệu xây dựng.../.
- Từ khóa:
- lao động
- việc làm
- tuyển dụng
- đơn hàng