Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập... cần nhận thức đầy đủ để có những định hướng và giải pháp.
TTXVN - Ngày 15/4, tại Hà Nội, Ban Văn hóa Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”.
Tại Hội thảo, các chư tôn đức tăng ni; nhà nghiên cứu; kiến trúc sư; nhà quản lý văn hóa, di sản văn hóa, đã tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề chung về kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam (đặc trưng, tính thống nhất, đa dạng kiến trúc Phật giáo các hệ phái, vùng miền…); thực trạng, hạn chế, bất cập; đề xuất những giải pháp, định hướng trong kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc. Đặc biệt, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất những nguyên tắc, định hướng nhằm hướng tới xây dựng bộ tiêu chí, tài liệu hướng dẫn đối với việc xây dựng mới, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Hội thảo hướng đến việc tìm kiếm biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và trụ kinh chuyển pháp luân.
Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiến trúc Phật giáo không chỉ chuyển tải tư tưởng, triết lý Phật giáo mà còn phản ánh văn hóa, phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của tín đồ trong các giai đoạn lịch sử khác nhau ở mỗi quốc gia, vùng miền. Mỗi giai đoạn lịch sử, dấu ấn đời sống xã hội cũng có những tác động đến kiến trúc Phật giáo do đó, kiến trúc Phật giáo phản ánh những thăng trầm của lịch sử, chứa đựng giá trị lịch sử. Có thể nói, chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc, đất nước ta có được sự phát triển mạnh mẽ của các công trình kiến trúc Phật giáo như bây giờ.
Các công trình không chỉ nhiều về số lượng, lớn về quy mô, đa dạng về loại hình, hệ phái, về phong cách kiến trúc, nghệ thuật… mà còn có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ…
Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập. Qua ba đợt khảo sát ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông và Tây Nam Bộ với hàng trăm ngôi chùa của tất cả các hệ phái để triển khai Đề án “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam”, có thể thấy, nhiều ngôi chùa trải qua thời gian tu bổ, tôn tạo nhiều lần, dần mất đi “tính truyền thống” vốn có của mình, trừ những ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt.
Trong mấy thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng thì kiến trúc Phật giáo Việt Nam đang dần thay đổi. Nhiều ngôi chùa được xây mới chưa tuân thủ những nguyên tắc xây dựng, chưa có tư vấn thiết kế đầy đủ… đã vô tình làm giảm tư tưởng, triết lý Phật giáo trong kiến trúc. Mặt khác, nhiều ngôi chùa được xây dựng mới đã mang đặc trưng truyền thống, vùng miền… song lại có kiến trúc chắp vá hay có nhiều trường phái kiến trúc Phật giáo trong một ngôi chùa Việt…
"Thật khó nói hết những bất cập trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, nhưng đây là một thực tế mà tất cả chúng ta cần nhận thức đầy đủ để có những định hướng và giải pháp", Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chư tôn đức hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có nhiều ý kiến tham luận làm rõ lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ những giai đoạn đầu khi mới du nhập cho đến giai đoạn hiện nay; chỉ ra những nét đặc trưng, sự biến đổi của kiến trúc Phật giáo qua mỗi thời kỳ. Nhiều ý kiến tham luận đã làm rõ đặc trưng kiến trúc của các hệ phái như: Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ, Hoa tông, Nam tông kinh; đi sâu phân tích tính đa dạng của Phật giáo tại các khu vực, vùng miền trên cả nước. Không những thế, các ý kiến tham luận đã góp phần chỉ ra giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trên nhiều phương diện như giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hoá…
Nhiều tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng kiến trúc trên các phương diện: Quy hoạch, thiết kế, cấu trúc, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, bài trí đối tượng thờ cúng…; đồng thời chỉ ra thực trạng kiến trúc của mỗi khu vực, vùng miền. Đặc biệt, nhiều ý kiến đã chỉ ra hạn chế, bất cập, yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay như: Thiếu quy hoạch tổng thể; trùng tu, xây dựng làm mất đi yếu tố truyền thống; nhiều công trình lai căng, không kế thừa giá trị di sản kiến trúc truyền thống; các yếu tố/hạng mục trong tổng thể công trình không hài hòa, phá vỡ tổng thể; nhiều yếu tố hoa văn, hoạ tiết, trang trí không phù hợp; không gian cảnh quan bị thu hẹp, công tác bảo tồn, phát huy có rất nhiều sai sót, bất cập…
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập cũng như định hướng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng các nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chí hay các tài liệu hướng dẫn… đối với hoạt động xây dựng, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo; xây dựng, thiết kế biểu tượng thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam như biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân gắn trên các công trình kiến trúc và trụ kinh chuyển pháp luân.
Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như: Thành lập các ban kiến trúc Phật giáo nhằm hướng dẫn, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình; nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ tăng ni, những người tham gia xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo.
Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, việc kiến thiết, xây dựng các công trình cần được quản lý bởi các cơ quan chuyên môn, tuân thủ các nguyên tắc, định hướng, hướng dẫn… để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay./.