Hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước phô diễn tài năng làm nên một sản phẩm tinh hoa trong lễ khai mạc.
TTXVN - Nhằm khôi phục, gìn giữ và phát huy những sản phẩm tinh hoa của các nghề thủ công truyền thống xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung, chiều 28/4, Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2023 tổ chức khai mạc Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề tại Công viên Tứ Tượng (thành phố Huế).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Trần Song cho biết, không gian trưng bày với nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm, làng nghề truyền thống đặc sắc diễn ra dọc bên bờ sông Hương thơ mộng. Đây là một hoạt động điểm nhấn của Festival nghề truyền thống Huế 2023; mang đến cơ hội giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa 69 cơ sở, làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành phố trong nước tham gia.
Tại đây, hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Thừa Thiên - Huế, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phô diễn tài năng thông qua việc thao diễn kỹ thuật tinh xảo, các quy trình sản xuất độc đáo để làm nên một sản phẩm tinh hoa. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các nhóm nghề dệt; mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm…
Không gian trưng bày được thiết kế với hệ thống nhà rường cổ, kết hợp với mái nhà tranh tre gần gũi với người dân Việt Nam và mang đậm bản sắc Huế. Trong không gian này, người dân và du khách không chỉ được tham quan, mua sắm các sản phẩm nghề truyền thống mà còn được chiêm ngưỡng tài năng của các nghệ nhân nổi tiếng và trải nghiệm các công đoạn làm nên sản phẩm.
Giới thiệu đến Festival nghề truyền thống Huế 2023, nhiều sản phẩm của làng nghề dệt Phùng Xá, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dâu tằm tơ Mỹ Đức (Hà Nội) cho hay, điều bà mong muốn nhất khi tham gia ngày hội là được giới thiệu các sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước. Sự quan tâm của du khách chính là động lực, sức mạnh để cơ sở phát triển, sáng tạo nên những sản phẩm tơ tằm ngày càng độc đáo, mới mẻ, có giá trị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Bạn Lê Thị Kiều Trang (thành phố Huế) bày tỏ ấn tượng khi được khám phá nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc tề tựu tại ngày hội. Đặc biệt, khi được chứng kiến các nghệ nhân làm ra sản phẩm, Kiều Trang cảm thấy rất thú vị và tự hào về những làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Dịp này, "Không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế" đã khai mạc tại thành phố Huế với sự tham gia của các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các không gian trưng bày diễn ra đến hết ngày 5/5./.