Giáo dục

Tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới giáo dục: Đà Nẵng hỗ trợ học phí cả trường công lập và ngoài công lập

Đà Nẵng

Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn. Nổi bật là Chương trình không có học sinh bỏ học , chính sách hỗ trợ học phí cả trường công lập và ngoài công lập với số tiền trên 400 tỷ/năm…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 27/7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đổi mới giáo dục và đào tạo bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; đầu tư xây dựng phòng học đáp ứng yêu cầu học tập của các cấp học. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025” theo kế hoạch đề ra; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đảm bảo 100% học sinh Tiểu học trên địa bàn thành phố được học 2 buổi/ngày; tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo an tâm cống hiến cho giáo dục và đào tạo…

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp với Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể việc cụ thể hóa, tính hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo; qua đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng thực chất, toàn diện; sớm ban hành các chính sách, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo, trường học trên địa bàn thành phố cần khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo trong giáo dục và đào tạo; nghiên cứu nhân rộng 39 mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học.

Trao Bằng khen cho 14 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Đại học Đà Nẵng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng của thành phố để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng và phát triển nhà trường trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng và Dự án phát triển Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc.

Theo báo cáo, qua 10 năm triển khai Nghị quyết 29, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nổi bật là việc thực hiện Chương trình không có học sinh bỏ học (trong Chương trình thành phố “5 không”), Đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập; chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông; từ năm học 2023-2024, hỗ trợ cả trường công lập và ngoài công lập với số tiền trên 400 tỷ/năm… Hằng năm, tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề chiếm 7-8% tổng chi ngân sách thành phố; trong đó, chi cho giáo dục chiếm khoảng 30% chi thường xuyên của thành phố.

Đà Nẵng cũng quan tâm, chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Các địa phương, đơn vị, nhất là các trường học, cơ sở giáo dục đã bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 29 và các văn bản chỉ đạo của thành phố để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch thực hiện; trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực của người học…

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông của thành phố cơ bản duy trì ổn định, khoảng trên 95%; 100% địa phương duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Thành phố có 713 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 14 giải cấp quốc tế và khu vực. Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn trong 10 năm luôn giữ vững và nâng cao kết quả thi học sinh giỏi quốc gia; thành phố nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu toàn quốc…

Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, trung bình mỗi năm đào tạo nghề 45.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 68%; chất lượng giáo dục đại học được nâng lên, cơ bản đảm bảo yêu cầu cung cấp nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, khu vực và cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, thành phố cũng gặp khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết 29 như: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt kế hoạch đề ra; chưa đạt 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày (quận Liên Chiểu chưa đạt do dân số cơ học tăng nhanh); chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thấp, chưa thỏa đáng; còn tình trạng thiếu giáo viên, nhất là trong bối cảnh số học sinh hằng năm tăng từ 15.000 - 22.000 em ở các cấp học).../.

Võ Văn Dũng

Tin liên quan

Xem thêm