Sức khỏe

Trang bị kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu, xây dựng cộng đồng an toàn

TP. Hồ Chí Minh

Gần 200 tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ cùng đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tình huống giả định cấp cứu trong khu vực đông dân cư bị sự cố hỏa hoạn, góp phần minh họa các kỹ năng sơ cấp cứu.

Lực lượng sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa quận Bình Tân và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thao diễn kỹ năng sơ cấp cấp cứu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Hưởng ứng Ngày sơ cấp cứu thế giới năm 2023, ngày 12/9, Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng, chống thảm họa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức “Thao diễn kỹ năng sơ cấp cứu”.

Gần 200 tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ cùng đông đảo người dân Thành phố tham gia tình huống giả định cấp cứu trong khu vực đông dân cư bị sự cố hỏa hoạn, góp phần minh họa các kỹ năng sơ cấp cứu. Qua tình huống giả định nhằm nhấn mạnh công tác phối hợp nhịp nhàng theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Theo ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa Thành phố Hồ Chí Minh, sơ cấp cứu là hành động can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn do thương tích hoặc do bệnh lý cấp tính ngay tại hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Sơ cấp cứu nhằm bảo toàn tính mạng cho nạn nhân hoặc bệnh nhân; ngăn không cho tình trạng sức khỏe của nạn nhân xấu đi; hạn chế biến chứng, di chứng của tổn thương hoặc tình trạng nặng thêm của bệnh nhân; trợ giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, người tham gia sơ cấp cứu cần phải có kiến thức và kỹ năng cơ bản, bảo đảm hoạt động sơ cấp cứu đạt hiệu quả, an toàn cho người bị nạn, cho chính người sơ cấp cứu và những người có mặt tại hiện trường trong khả năng có thể.

Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách sẽ góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục. Nếu mọi người trong cộng đồng hay các tổ chức, cơ quan, đơn vị được trang bị những kiến thức, kỹ năng, những trang thiết bị sơ cấp cứu cơ bản sẽ hoàn toàn chủ động thực hiện sơ cấp cứu cho chính mình hoặc những người xung quanh trong các trường hợp rủi ro không mong muốn trước khi đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Ngày nay, sơ cấp cứu không chỉ là kiến thức, kỹ năng cần biết mà cần được xem là một yêu cầu, một điều kiện thiết yếu đối với mọi người, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng. Người đã được tập huấn kiến thức và kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đều có thể trợ giúp cho người bị nạn trong các tình huống khẩn cấp, đây không chỉ là một hành động nhân đạo cứu người mà còn góp phần xây dựng cộng đồng an toàn. Việc nắm vững kỹ thuật sơ cấp cứu để bảo vệ cuộc sống của chính mình và mọi người xung quanh.

Lực lượng sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa quận Bình Tân và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thao diễn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tham gia thao diễn kỹ năng sơ cấp cứu, chị Bùi Thị Cẩm Nhung, Đội trưởng Đội Sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa quận Bình Tân chia sẻ: Kỹ thuật sơ cấp cứu thật sự quan trọng đối với mọi người, mọi nhà và cả các cơ quan đơn vị để phòng ngừa hay kịp thời ứng phó khi xảy ra tình huống cần được sơ cứu. Mỗi nhà cần trang bị túi sơ cấp cứu. Mỗi người cần có những kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu để có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho mọi người, xây dựng cộng đồng an toàn.

Theo Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có đội ngũ huấn viên đạt chuẩn quốc gia, hướng dẫn viên sơ cấp cứu. Tại mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức có Ban Huấn luyện sơ cấp cứu và từ 1- 3 Đội sơ cấp cứu lưu động; mỗi phường, xã là một Tổ sơ cấp cứu lưu động với trang thiết bị y tế và băng ca chuyển thương; đồng thời duy trì và thành lập mới 104 Điểm sơ cấp cứu được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của Bộ Y tế.

Hàng năm, Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng, chống thảm họa Thành phố tổ chức hơn 970 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho hơn 13.200 cán bộ, hội viên, tình nguyện tại địa bàn dân cư, khu vực trường học, chương trình “Trường học an toàn”, “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” tại huyện Cần Giờ và huấn luyện theo yêu cầu.

Thông qua hoạt động, nhiều mô hình hoạt động sơ cấp cứu đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Đội “Sơ cấp cứu lưu động bằng xe gắn máy” tại Quận 8, Quận 12, quận Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh; Đội “Sơ cấp cứu” tại các chung cư của Quận 4; “Tủ thuốc sơ cấp cứu” tại Quận 8; “Tủ thuốc gia đình” tại huyện Củ Chi…./.

Thanh Vũ

Xem thêm