Trong khuôn khổ Lễ hội đã diễn ra các hoạt động như: dâng hương, dâng hoa, rước kiệu tại lăng mộ Nhà sử học Lê Văn Hưu, tế lễ, đọc chúc văn theo nghi thức truyền thống.
TTXVN - Ngày 26/4, Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho nền Quốc sử Việt Nam đã diễn ra tại Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Trong khuôn khổ Lễ hội đã diễn ra các hoạt động như: dâng hương, dâng hoa, rước kiệu tại lăng mộ Nhà sử học Lê Văn Hưu, tế lễ, đọc chúc văn theo nghi thức truyền thống.
Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm 1230, ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Ông đỗ Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần (năm Đinh Mùi 1247, đời vua Trần Thái Tông). Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sỹ kiêm Quốc sử viện giám tu, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải (tương đương với chức Thượng thư bộ binh sau này). Ông tinh thông võ nghệ, giỏi thư thi, trở thành Thượng tướng quân vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Ngoài ra, ông còn là nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước. Thực hiện lệnh của vua Trần Thái Tông, ông đã thu thập tất cả sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý để biên soạn lại, hoàn thiện bộ Quốc sử có tên “Đại Việt sử ký". Bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Vũ Đế (năm 207 trước Công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng (năm 1244). Tác phẩm “Đại Việt sử ký” được đánh giá là bộ Quốc sử ghi dấu mốc quan trọng đầu tiên cho nền sử học nước nhà, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được sử thần thời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên căn cứ để biên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư”.
Những lời bàn của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong “Đại Việt sử ký” khiến người đọc cảm nhận sâu sắc các bài học về lịch sử, bài học dùng người của quân vương, về lòng tự tôn dân tộc, đề cao khí phách các anh hùng dân tộc Việt. Ngoài việc viết sử, Nhà sử học Lê Văn Hưu còn nghiên cứu tìm hiểu sâu rộng và có những đóng góp về địa lý, phong thủy. Khi được phong chức Binh Bộ thượng thư, ông đã có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong quá trình làm quan, ông luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông vẫn còn trên đất xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Dịp này, huyện Thiệu Hóa cũng tổ chức chuỗi các sự kiện tiêu biểu như: khánh thành đường tránh ngã ba Chè; công bố thông xe kỹ thuật nút giao thông cao tốc tại huyện Thiệu Hóa và động thổ dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 506B (đoạn nút giao từ Quốc lộ 45 đến nút giao nối các tuyến Quốc lộ 45 - 47 - 217); khai mạc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hóa năm 2024 cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các trò chơi chào mừng Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu./.
- Từ khóa:
- lễ hội
- Tri ân
- Nhà sử học Lê Văn Hưu