Đến nay, tại tỉnh Hà Tĩnh đã có 216/216 xã, phường, thị trấn hoàn thành khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2024.
TTXVN - Xác định công tác tuyển quân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy vai trò của cơ quan quân sự và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.
Cũng như các bạn cùng trang lứa, vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông, em Trần Văn Việt, ở xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) có nhiều nguyện vọng lập thân, lập nghiệp, nhằm phụ giúp bố mẹ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, được sự động viên của cấp ủy, chính quyền, của gia đình, Việt đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Trần Văn Việt là một trong những thanh niên của xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) đủ điều kiện nhập ngũ năm 2024.
Trần Văn Việt cho hay, được chính quyền địa phương gặp gỡ, tuyên truyền, động viên, em đã hiểu tầm quan trọng của việc gia nhập quân ngũ. Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình, em đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Em xác định đây cũng là cơ hội để rèn luyện, phấn đấu, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ có nhiều thuận lợi trong quá trình học nghề và tìm việc làm.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà cho biết, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ, nhất là trong khâu quản lý nguồn và khám tuyển. Bên cạnh đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm công tác hậu phương quân đội như: làm nhà ở cho gia đình chính sách; hỗ trợ các gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn; tạo việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, những năm qua, chất lượng thanh niên nhập ngũ của huyện Thạch Hà đã được nâng lên.
Đến nay, tại tỉnh Hà Tĩnh đã có 216/216 xã, phường, thị trấn hoàn thành khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2024. Toàn tỉnh có 62% thanh niên được phát lệnh sơ khám đủ điều kiện khám tuyển cấp huyện, thành phố, thị xã; hàng trăm thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Kết quả, hơn 50% thanh niên trong danh sách trúng tuyển, đủ điều kiện nhập ngũ; trong đó, sức khỏe loại 1 và 2 đạt gần 65%; trình độ văn hóa Trung học phổ thông và Đại học, Cao đẳng chiếm trên 84%.
Để bảo đảm chỉ tiêu về sức khỏe, ngay từ công tác sơ tuyển, các địa phương thành lập các tổ kiểm tra sức khỏe với đầy đủ các thành phần và chọn những người có chuyên môn, kinh nghiệm. Ngoài cán bộ trạm y tế cấp xã, phường còn có các y sĩ, bác sĩ trung tâm y tế huyện theo dõi về chuyên môn. Bên cạnh đó, việc tổ chức khám tuyển ở cấp huyện đã áp dụng các loại máy móc hiện đại như: máy đo khúc xạ, điện tim, huyết áp, siêu âm vào khám để bảo đảm tính chính xác cao.
Chính sách hậu phương quân đội được các địa phương chú trọng thực hiện. Trước khi thanh niên nhập ngũ, địa phương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và trích kinh phí của địa phương tặng quà. Nhiều địa phương đã tặng sổ tiết kiệm từ 3 - 10 triệu đồng cho mỗi thanh niên nhập ngũ. Quá trình tại ngũ, nếu gia đình quân nhân có việc khó khăn, địa phương sẽ cử lực lượng dân quân, đoàn viên, thanh niên... đến chia sẻ, giúp đỡ. Khi thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền phối hợp với các trường dạy nghề tư vấn học nghề, tạo công việc cho thanh niên.
Thượng tá Dương Ngọc Tiệp, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cơ quan thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả toàn diện công tác tuyển quân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Đặc biệt, đơn vị thực hiện tốt việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự địa phương trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp và trực tiếp tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, tỉnh Hà Tĩnh luôn là một trong các địa phương đứng đầu của Quân khu 4 về công tác tuyển quân, chất lượng năm sau luôn cao hơn năm trước./.