Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai trồng và phát triển cây mây nước dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân.
(TTXVN)- Tận dụng lợi thế có diện tích đất lâm nghiệp lớn, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai trồng và phát triển cây mây nước dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân.
Nếu như trước đây chỉ biết đến những cây mây nước tự nhiên, từ năm 2012, người dân xã Ba Trang và Ba Khâm, huyện Ba Tơ bắt đầu thực hiện dự án “Trồng mây nước dưới tán rừng phòng hộ”. Dự án có tổng quy mô đầu tư 80 héc ta, thu hút 40 hộ tham gia. Kết quả cho thấy, trồng mây nước dưới tán rừng đã tận dụng được diện tích đất, không ảnh hưởng đến cây lâm nghiệp, giúp giảm lượng cỏ dại, tăng độ ẩm cho đất, giảm đáng kể vấn đề xói mòn đất, tăng lượng dinh dưỡng cho cây lâm nghiệp.
Anh Phạm Văn Chiến, xã Ba Trang cho biết, sau khi trồng khoảng 5 năm, cây mây bắt đầu cho thu hoạch. Cây mây đặc biệt ở chỗ, trồng càng lâu năm năng suất càng cao, vì loại cây này đẻ nhánh rất nhanh. Với giá hiện tại thương lái thu mua tại nhà dân là 4.500 đồng/kg, mỗi héc ta mây nước trồng dưới tán rừng có thể mang lại nguồn thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Nhờ có cây mây nước, cuộc sống của người dân ổn định hơn.
Đến nay, xã Ba Trang có gần 300 héc ta mây nước được trồng dưới tán rừng. Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Mon cho biết, từ ngày thực hiện dự án trồng mây nước dưới tán rừng, người dân ra vào rừng nhiều và thường xuyên hơn. Nhờ đó, công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn. Địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng khai thác gỗ trong khu vực rừng giao khoán người dân quản lý bảo vệ.
“Trước đây, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để trồng sắn, trồng keo diễn ra thường xuyên. Hiện nay, tình trạng này hầu như không còn. Có được điều này không chỉ nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền hỗ trợ từ việc nhận khoán bảo vệ rừng mà còn do mỗi năm bà con thu được hàng chục triệu đồng từ cây mây nước trồng dưới tán rừng”, ông Phạm Văn Mon nói.
Cây mây nước trồng đơn giản, ít tốn công chăm sóc và đẻ nhánh rất nhanh. Mỗi héc ta đất rừng có thể trồng xen từ 600 - 800 gốc mây nước. Kỹ thuật trồng mây nước đơn giản; khi trồng cây chỉ phải đào hố, chờ từ 10 - 15 ngày sau mới trồng. Cây mây nước nếu trồng dưới tán rừng có đầu tư phân bón, chăm sóc tốt chỉ sau 4 - 5 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Mây nước nếu chăm sóc và khai thác đúng quy trình sẽ cho thu hoạch liên tục từ 18 - 20 năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Long Phạm Văn Điết cho biết: Theo tính toán của người dân, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, mỗi héc ta rừng trồng mây nước người trồng chi khoảng 20 triệu đồng gồm cây giống trồng mới, cây trồng dặm, phân bón, vật tư và công lao động. Về thu nhập, năm đầu tiên thu hoạch chỉ được khoảng 5 triệu đồng, năm thứ 2 sẽ thu được khoảng 20 triệu đồng. Trồng mây dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng trồng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cây mây nước có giá trị kinh tế khá cao lại thích hợp với nhiều loại chân đất khác nhau và không đòi hỏi đầu tư chăm sóc công phu như những loại cây khác. Do đó, trong những năm gần đây, loại cây này đã phát triển khá nhanh ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 héc ta cây mây nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng...
Ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho hay, ngành Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dự án, mô hình trồng mây nước dưới tán rừng. Đây thực sự là hướng đi phù hợp nhằm góp phần phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao thu nhập cho người nông dân từ nghề rừng, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với rừng.
“Việc trồng mây nước dưới tán rừng đã góp phần chuyển đổi tư duy từ phát triển, sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp đang là mục tiêu “kép” hướng đến ổn định sinh kế cho người dân. Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các cơ quan chuyên môn mở rộng diện tích trồng cây mây nước cũng như trồng các loại cây dược liệu để khai thác hiệu quả kinh tế rừng một cách bền vững”, ông Hưng cho biết./.