Đoàn Thanh niên CSHCM các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã triển khai mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ và cổ vũ đoàn viên, thanh niên làm giàu trên chính quê hương
(TTXVN) Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết phản ánh khát vọng làm giàu của tuổi trẻ miền Tây Nam Bộ và sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn giúp thanh niên khởi nghiệp.
Bài 1: Khát vọng làm giàu trên quê hương
Trên bước đường lập thân, lập nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã biết khai thác, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình với những mô hình hiệu quả như sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa, nước mắm cá linh, rượu xoài, mứt xoài và các loại bánh từ khoai lang…
* Khởi nghiệp từ dừa
Mỗi tháng, ngành chế biến dừa ở tỉnh Bến Tre cho ra hàng nghìn tấn phụ phẩm, trong đó có gáo dừa. Từ những thứ sẵn có, tưởng chừng như bỏ đi, vợ chồng cô gái 8X Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu (ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm) đã khéo léo “biến tấu” thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa đẹp mắt, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị tài nguyên tại địa bàn.
Đôi vợ chồng trẻ My - Hiếu khởi nghiệp bằng việc chế tạo, sản xuất các dòng máy chạm gỗ, máy tiện gỗ công nghệ tự động hóa (CNC - Computer Numberial Control), máy khắc lazer và cung cấp, lắp đặt thiết bị tự động.
My chia sẻ, năm 2016, các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở Bến Tre ít áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, chủ yếu làm bằng tay nên giá thành cao, số lượng sản phẩm không nhiều. Vì thế, máy CNC do vợ chồng My sản xuất được ưa chuộng để làm hàng thủ công mỹ nghệ trên gỗ, đặc biệt là đối với gỗ dừa tại Bến Tre. Công ty của Huế My đã cung cấp hàng trăm máy cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre, Tiền Giang…; đồng thời liên kết với nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh (đang sử dụng máy công nghệ CNC do Công ty cung cấp) để sản xuất nhiều mặt hàng.
Cô gái trẻ Huế My cho biết thêm, gáo dừa là vật liệu “xanh” có cấu trúc tuyệt vời để làm đồ dùng gia đình an toàn, thân thiện với môi trường và đồ trang trí độc đáo. Hiện Công ty sản xuất gáo dừa Yescoco của My đã làm ra hàng trăm loại sản phẩm theo 3 nhóm chính: nhóm vật dụng gia đình; nhóm đồ chơi trẻ em; nhóm vật dụng kết hợp trang trí, xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Tháng 10/2022, vợ chồng My đã mở rộng liên kết với 11 hộ dân xung quanh hình thành tour du lịch trải nghiệm “sống xanh” cùng người dân địa phương, giới thiệu vẻ đẹp quê hương qua các làng nghề truyền thống, nét văn hóa xứ sở nơi “ba dãy cù lao”.
Cũng là người con của huyện Giồng Trôm, từng có công việc ổn định tại công ty nơi thành phố lớn, nhưng anh Quách Duy Thịnh (ở xã Thạnh Phú Đông) luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp “du lịch xanh” ngay tại quê nhà. Năm 2020, homestay Maison du Pays de Bến Tre (tạm dịch là Ngôi nhà xứ sở quê hương) ra đời. Theo anh Thịnh, khó khăn lớn nhất khi lập nghiệp là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Sử dụng tiền tích góp và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của đoàn viên, anh trang trí lại nhà, xây thêm phòng cho du khách nghỉ lại.
Trong căn nhà cấp bốn nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 15 km, anh Thịnh đã khéo léo tạo ấn tượng với khách du lịch bằng nét đẹp mộc mạc, bình dị, nhưng không kém phần chỉn chu trong từng chi tiết.
Anh Thịnh cho hay, ngoài nghỉ ngơi trong không gian miệt vườn, đi bộ dưới những rừng dừa, homestay Maison du Pays de Bến Tre còn mang đến những trải nghiệm thú vị và thân tình như tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, đi hái bưởi, hái dừa, thưởng thức dừa tươi tại chỗ... Đặc biệt, Maison du Pays de Bến Tre cũng “thết đãi” khách du lịch những đặc sản địa phương như bánh khọt nước cốt dừa nhân tép đậu xanh, bánh cúng lá dứa, cơm nếp ăn kèm tép rang dừa hay muối mè… Bên cạnh đó, anh còn kết nối thanh niên trong xã hình thành địa điểm tham quan vườn dừa; tổ chức các tour, tuyến gắn với các sản phẩm sẵn có tại địa phương. Trung bình mỗi tháng, homestay của anh Thịnh đón từ 15-20 đoàn khách (mỗi đoàn từ 5-20 người).
* Nâng cao giá trị nông sản quê hương
Với mô hình khởi nghiệp từ sản phẩm khoai lang (một trong những đặc sản của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), anh Nguyễn Thanh Việt (Trường Cao đẳng Vĩnh Long) đã cho ra đời nhiều loại bánh nhằm tăng giá trị cho khoai lang, tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.
Nhiều lần đi công tác ở huyện Bình Tân, chứng kiến cảnh người dân bán khoai với giá rẻ đã thôi thúc anh Việt tìm giải pháp để nâng cao giá trị loại nông sản này. Từ những trăn trở ấy, sản phẩm đầu tay của anh là bánh hạnh phúc với khoảng 60% nguyên liệu là khoai lang, vỏ hộp làm khéo léo từ những chiếc lá dừa nước vốn quen thuộc với người dân Nam Bộ. Sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng nhiều trong các buổi tiệc, hội nghị. Từ thành công bước đầu, đến nay anh Việt đã cho ra đời nhiều sản phẩm chế biến từ khoai lang như: bánh quy, bánh trung thu, bánh phồng… Bằng sự linh hoạt, nhạy bén, anh Việt đã mang các sản phẩm này trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Cùng với khoai lang Bình Tân, xoài cát núm huyện Vũng Liêm đã trở thành loại quả đặc sản của Vĩnh Long, góp phần đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Nhận thấy tiềm năng của loại trái cây đặc sản trên quê hương, hai bạn trẻ Nguyễn Hoàng Khang và Nguyễn Phước Toàn (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp từ loại quả này với mong muốn gia tăng giá trị, tạo thương hiệu cho sản phẩm.
Xoài cát núm có đặc trưng ngọt thanh và ít xơ hơn những giống xoài khác, ăn tươi hay qua chế biến đều ngon. Do đó, hai bạn đã chọn phát triển theo hướng chế biến mứt xoài. Để có được sản phẩm đạt chất lượng đưa ra thị trường, bên cạnh sự mày mò của bản thân, hai bạn trẻ còn hợp tác với Vườn ươm công nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Qua nghiên cứu, các bạn trẻ đã tìm ra công thức chế biến sản phẩm phù hợp và quy trình bảo quản đảm bảo các quy định. Giữa năm 2022, sản phẩm mứt xoài cát núm chính thức ra đời và bước đầu được thị trường chấp nhận. Tận dụng mạng xã hội và thông qua các hội chợ, hai bạn Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Phước Toàn từng bước đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và nhận phản hồi tích cực.
Bạn Nguyễn Hoàng Khang cho biết, qua khảo sát thị trường cho thấy, phần lớn khách hàng thích sử dụng mứt xoài với bánh mì, sữa chua… để tăng thêm hương vị. Bước đầu, hai bạn đã tìm được một số đối tác, đại lý có thể phân phối sản phẩm tại những địa phương khác; đồng thời hy vọng rằng các lọ mứt xoài cát núm có mặt trong các giỏ quà sẽ góp phần nâng cao giá trị và quảng bá nông sản có nguồn gốc tại Vĩnh Long.
* Làm giàu từ cá đồng
Một phần của tỉnh Đồng Tháp thuộc “vùng rốn lũ” Đồng Tháp Mười nên cá, tôm… trong tự nhiên nhiều hơn so với những khu vực khác. Vào mùa nước nổi, người dân nơi đây đánh bắt được nhiều loại thủy sản, đặc biệt là cá linh. Tận dụng lợi thế này, chị Lương Thị Bích Tuyền (ngụ xã An Hòa, huyện Tam Nông) đã khởi nghiệp thành công với Dự án sản xuất nước mắm nhĩ truyền thống. Trung bình mỗi tháng, Cơ sở sản xuất của chị Bích Tuyền cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh 90 lít nước mắm các loại, đạt doanh thu hơn 10 triệu đồng. Những tháng cao điểm, sản lượng nước mắm tiêu thụ tăng gấp 3-4 lần so với bình thường.
Chị Lương Thị Bích Tuyền chia sẻ, ủ nước mắm nhĩ cá linh là nghề truyền thống của gia đình chị, nhưng chỉ làm số lượng ít để dùng trong bữa cơm hàng ngày. Với mong muốn cải thiện kinh tế và phát huy giá trị thủy sản trong tự nhiên của địa phương, năm 2017, chị Tuyền bắt đầu sản xuất nước mắm nhĩ với quy mô lớn và thương mại hóa. Vào mỗi mùa nước lũ, với giá bán khá “mềm”, chị Tuyền tranh thủ mua hàng chục tấn cá đồng, chủ yếu là cá linh để ủ làm nước mắm. Việc sản xuất nước mắm nhĩ bằng phương pháp truyền thống cho ra sản phẩm thơm, ngon, có chất lượng cao nhưng tốn nhiều công và thời gian (mất khoảng 1 năm).
Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, cơ sở sản xuất của chị Bích Tuyền có 3 dòng sản phẩm nước mắm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, như nước mắm nhĩ cá linh nguyên chất; nước mắm nhĩ cá linh kết hợp với phương pháp nấu truyền thống; nước mắm cá đồng với hỗn hợp nhiều loại cá như cá rô, cá sặc, lòng tong…
Dự án nước mắm nhĩ truyền thống của chị Bích Tuyền có nhiều tiềm năng phát triển, phát huy giá trị tài nguyên tại địa bàn, được Huyện đoàn Tam Nông rất quan tâm, hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh… Hiện sản phẩm nước mắm của chị Bích Tuyền đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh) sinh ra và lớn lên tại một trong những vùng trồng nhiều xoài ở Đồng Tháp, đã chứng kiến sự thăng trầm của người trồng xoài. Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Hiếu về phụ giúp gia đình canh tác gần 1 ha xoài theo hướng hữu cơ. Anh luôn ấp ủ khát vọng nâng cao hơn nữa giá trị quả xoài thông qua việc nghiên cứu, chế biến sản phẩm từ loại quả này, thay vì bán xoài tươi truyền thống; đồng thời tìm lời giải cho “bài toán” được mùa-mất giá. Anh Hiếu chia sẻ, qua tìm hiểu, anh đã có ý tưởng sản xuất rượu từ xoài. Bởi vì trong xoài chín có hàm lượng glucose và nhiều chất có thể chuyển hóa lượng đường để lên men làm rượu. Ý tưởng thành công sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, tạo ra giá trị mới cho loại quả này.
Với niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp từ nông sản địa phương, anh Hiếu nỗ lực từng bước hiện thực hóa ý tưởng rượu xoài. Anh tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật sản xuất rượu trên mạng internet và những chuyên gia về rượu trái cây. Năm 2019, anh sản xuất thành công và thương mại hóa rượu xoài. Cùng với quan tâm chất lượng sản phẩm, anh còn chú trọng đến mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm. Rượu xoài Nguyễn Hiếu chủ yếu hướng đến sản phẩm quà tặng. Mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 500 chai rượu, cao điểm (dịp lễ, Tết) tiêu thụ khoảng 1.000 chai, thu lợi nhuận vài chục triệu đồng./.(Còn nữa)