Năm 2023, Tuyên Quang phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 9,0%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 55,7 triệu đồng/người/năm.
(TTXVN) Từ ngày 8-11/12, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 5, để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đề ra các mục tiêu, giải pháp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023.
Theo đó, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chuẩn bị các phương án ứng phó hiệu quả với những tình huống dịch bệnh khác có thể xảy ra.
Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Đồng thời tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thu hút du khách đến với Tuyên Quang.
Cùng với đó, Tuyên Quang thực hiện huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến.
Đặc biệt, tỉnh quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, đặc biệt, ưu tiên đầu tư hạ tầng, nền tảng số, thuê dịch vụ công nghệ phục vụ xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình mục tiêu Quốc gia (Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030).
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1).
Tiếp đó, tỉnh khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, đường từ khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm...; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu…
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua 31 nghị quyết quan trọng như: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn Km14 QL2 Tuyên Quang - Hà Giang; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cao tốc Tuyên Quang- Hà Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025…
Năm 2023, Tuyên Quang phấn đấu tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) tăng 9,0% so với năm 2022. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đầu người trên 55,7 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,4%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 10.793 tỷ đồng, tăng trên 4,6% so với năm 2022.
Thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.200 tỷ đồng; thu hút trên 2,5 triệu khách du lịch, doanh thu về du lịch đạt trên 3.160 tỷ đồng; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; trồng mới 9.700 ha rừng tập trung; tạo việc làm mới cho 22.200 lao động…
Năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự điều hành tập trung, linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Tuyên Quang, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, 19/20 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, quốc phòng - an ninh đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định...
Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 8,66% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 56 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.738 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.700 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; trồng hơn 11.590 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%. Toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 62 xã; tạo việc làm cho 21.680 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.../.