Ngày 21/4, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị ứng dụng Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản trị và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.
Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như phong trào "Bình dân học vụ số" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Khai mạc hội nghị, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định: Hội nghị là dịp để trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trong việc ứng dụng dữ liệu và AI vào công tác quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, qua đó chuyển hóa những mục tiêu, định hướng của hai Nghị quyết số 57 và 71 thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh bền vững và toàn diện.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và vai trò của dữ liệu, AI trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, vai trò của công nghệ và chuyển đổi số ngày nay rất quan trọng trong việc ứng dụng vào các lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế… Công nghệ và chuyển đổi số đang ngày càng tạo ra những thay đổi lớn và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, hội nghị sẽ góp phần xây dựng chính sách và cơ chế quản lý phù hợp hơn để thúc đẩy sự phát triển của Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý đến một số vấn đề khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đối với các văn bản ở chế độ mật, chưa công khai thì không được để AI khai thác; không nên quá tin tưởng vào AI vì trong một số trường hợp ChatGPT có thể "bịa" được văn bản quy phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng dữ liệu và AI phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng như trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bà Laura Nguyễn, Giám đốc điều hành tại Quỹ đầu tư GenAI Fund, Giám đốc quốc gia của Công ty Ava Labs tại Việt Nam khuyến nghị, Quảng Ninh cần tận dụng lợi thế khi đã có những bước đi đầu trong chuyển đổi số. Theo bà, nên có cuộc phát động phong trào nội bộ cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong tỉnh để họ có thể đóng góp ý tưởng trong việc sử dụng giải pháp về AI trong những hoạt động hằng ngày. Bên cạnh đó cần có một nhóm chuyên trách để hỗ trợ trong việc phát triển, làm việc với các cơ quan, tổ chức quốc tế; có những chương trình đào tạo trong và ngoài nước; đưa ra những chương trình hợp tác, các hoạt động có thể ứng dụng AI vào hoạt động của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh cần ý thức được trách nhiệm tự học, tự nâng cao năng lực số; các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai mạnh mẽ chương trình “Bình dân học vụ số”. Đây là một chương trình hành động thiết thực để phổ cập hiểu biết về dữ liệu, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cho mọi cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân. Bình dân học vụ số không chỉ là khẩu hiệu mà còn là hành động cụ thể, thực chất để nâng cao dân trí trong kỷ nguyên số.
Cũng tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, triển khai phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân, các cơ quan địa phương; từ đó tham gia hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia./.
- Từ khóa:
- Dữ liệu
- AI
- Quảng Ninh
- ChatGPT