Khoa học

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất

Phú Yên

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Phú Yên đã thực hiện 33 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cơ sở và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị kinh tế cao.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

TTXVN - Ngày 8/8, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Phú Yên về tình hình hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2020 đến nay.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tham gia phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa kết quả nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Phú Yên trong việc ứng dụng khoa học công nghệ ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả cao. Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ nuôi trồng, chế biến thủy hải sản để nâng cao giá trị, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Tỉnh tập trung vào khai thác tài sản trí tuệ, nhất là chỉ dẫn địa lý, gắn nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực mà Phú Yên có thế mạnh để phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Phú Yên đã thực hiện 33 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cơ sở và triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, tỉnh xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hệ thống hỗ trợ cảnh báo thiên tai; xây dựng giải pháp vận hành xả lũ liên hồ giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du; xây dựng quy trình về làng nghề nuôi chim yến; đánh giá diễn biến xói lở và giải pháp chỉnh luồng, tuyến tại các cửa sông; nghiên cứu đặc trưng văn hóa của con người Phú Yên...

Đối với lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, tỉnh Phú Yên tập trung tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng chủ lực của địa phương, nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng. Tỉnh lai tạo thành công các giống lúa PY1, PY2, PY15, lúa lai F1, lúa siêu xanh GSR90, GSR65…, năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển giống sắn KM419 ngắn ngày có năng suất tăng từ 14-17 tấn/ha; bảo tồn nguồn gen đặc hữu cây Cam thảo Đá Bia, chè Mã Dọ, cá chình bông…

Tỉnh Phú Yên tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện trên địa bàn. Tỉnh đã triển khai 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình khoa học công nghệ độc lập cấp quốc gia và 7 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ và dự án trên đã đưa vào thực tiễn với 26 quy trình nuôi trồng, sản xuất; 63 mô hình thực tế; 2 bộ cơ sở dữ liệu.

Về các chương trình hợp tác hợp tác quốc tế trên lĩnh vực khoa học công nghệ, tỉnh Phú Yên đã triển khai dự án do Chính phủ Australia tài trợ về quan trắc môi trường nước biển; ký kết với Tổ chức Năng suất châu Á (APO) hỗ trợ 4 thiết bị bảo quản lạnh tiên tiến; hợp tác với Tập đoàn Kiyomura về phát triển thủy sản; tiếp nhận công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài của Tổ chức JICA (Nhật Bản).../.

Tường Quân

Xem thêm