Bên cạnh việc duy trì và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, phát triển, Tây Ninh đã ký kết, duy trì và phát triển hợp tác toàn diện với 4 tỉnh thuộc Campuchia gồm (Svay Riêng, Prey Veng; Tboung Khmum; Kampong Cham).
TTXVN - Ngày 12/11, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tại tỉnh Tây Ninh. Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và bà Samdech Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả một năm thực hiện “Bản ghi nhớ về phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2027".
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh: Là tỉnh giáp biên với Vương quốc Campuchia, Tây Ninh luôn xác định tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương của Campuchia và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng sâu sắc, tươi đẹp, vững bền. Bên cạnh việc duy trì và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, phát triển, Tây Ninh đã ký kết, duy trì và phát triển hợp tác toàn diện với 4 tỉnh thuộc Campuchia gồm (Svay Riêng, Prey Veng; Tboung Khmum; Kampong Cham).
Hàng năm, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến xã của hai bên thường xuyên tổ chức các đoàn đại biểu sang gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi thông tin, ký kết các biên bản hợp tác, tham dự Lễ, Tết và các sự kiện quan trọng của nhau; tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đảm bảo an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung, giữa Tây Ninh và các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia nói riêng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của từng hội và kết quả phối hợp hoạt động trong việc thực hiện Bản ghi nhớ trong năm 2023; bàn phương hướng, nội dung chương trình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ năm 2024.
Các đại biểu Việt Nam và Campuchia đã trình bày 6 tham luận, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hữu nghị nhân dân giữa cơ quan, đơn vị và các tỉnh, huyện, xã có chung đường biên giới của hai nước; đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để những năm tiếp theo đạt kết quả cao hơn.
Bà Samdech Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam nhấn mạnh, về tình anh em, láng giềng với nhiều nhân tố gắn bó không thể chia tách mối quan hệ hữu nghị chiến lược và truyền thống giữa hai dân tộc Việt nam-Campuchia. Bà Samdech Men Sam An bày tỏ sự biết ơn sâu sắc và ghi nhớ công ơn của người bạn Việt Nam đã giúp đỡ, ủng hộ chí tình, toàn diện, kể cả xương máu của chuyên gia và bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng vào ngày 7/1/1979 và giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt vong.
Theo bà Samdech Men Sam An, quan hệ thương mại song phương không ngừng phát triển, năm 2023 kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 10 tỷ USD. Việt Nam đã đầu tư vào Campuchia khoảng 3 tỷ USD. Lĩnh vực du lịch, du khách Việt Nam sang Campuchia nằm trong tốp đầu. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước đã cùng nhau nỗ lực thúc đẩy việc cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước đạt 84%, nay còn 16% để biến khu vực biên giới hai nước trở thành khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân hai nước tiếp xúc, qua lại ngày càng thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhận định, năm 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về việc phối hợp hoạt động giữa Hội Hữu nghị hai nước. Hai Hội đã bám sát những nội dung cơ bản của Bản ghi nhớ để xây dựng kế hoạch hoạt động và tích cực phối hợp triển khai thực hiện với một khối lượng công việc khá lớn và đã thu được những kết quả đáng trân trọng trên hầu hết các lĩnh vực, các nội dung mà Bản ghi nhớ đã đề ra, góp phần vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời, đó là tiền đề quan trọng cho việc phối hợp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo.
Cũng theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh, hai Hội đã thống nhất về phương hướng và những nội dung trọng tâm phối hợp hoạt động trong năm 2024. Qua đó, hai Hội cũng nhất trí tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng, địa phương của hai nước triển khai các nội dung trong Bản ghi nhớ. Trước mắt, hai bên thúc đẩy việc liên kết mở các khóa đào tạo nghề cho thanh niên các tỉnh giáp biên giới; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhất là giữa các địa phương hai bên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh ngày càng thiết thực và có hiệu quả.
Năm 2024, hai Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên và các tầng lớp nhân dân mỗi nước, nhất là thế hệ trẻ về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước; phối hợp tuyên truyền vận động các cấp hội, hội viên hai nước và nhân dân Campuchia chủ động cung cấp thông tin và tham gia cùng với chính quyền, các đơn vị chức năng trong công tác tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia qua các thời kỳ, cũng như công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử và các đài kỷ niệm biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.../.
- Từ khóa:
- Việt Nam - Campuchia
- hợp tác