Thực thi chính sách

Việt Nam và Nhật Bản phối hợp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả

Hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam – Nhật Bản" được tổ chức nhằm thúc đẩy các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.

TTXVN - Ngày 28/2, tại Hà Nội, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, thuộc Bộ Công Thương Việt Nam; Cơ quan Thanh tra thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam – Nhật Bản".

Tham dự hội thảo có các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ chốt của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản và đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Shige Watanabe cho biết, hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc thúc đẩy các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam. Hội thảo cũng sẽ tạo ra góc nhìn đầy đủ để đánh giá vai trò từng ngành, từng cá thể trong phòng chống xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam.

Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Shige Watanabe phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Ông Shige Watanabe nhấn mạnh, thông qua hội thảo này và các hoạt động liên quan, các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái của Việt Nam sẽ được triển khai một cách phù hợp, bảo vệ chính đáng quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đem lại sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình đánh giá, cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, nhu cầu về hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, tạo ra thị trường mở và rộng lớn cho các nhà sản xuất. Do đó, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn biến đổi.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, 

"Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, hệ lụy tiêu cực mà nó để lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của chủ thể quyền đang được bảo hộ tại Việt Nam, làm cho người tiêu dùng hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính", ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, việc đấu tranh phòng chống các vi phạm trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Lực lượng quản lý thị trường có nhiều nỗ lực, đồng thời đề xuất các giải pháp tích cực thông qua cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, giai đoạn năm 2021 – 2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam. Cụ thể, đã xử lý 123 vụ liên quan đến mặt hàng mỹ phẩm, xử phạt hơn 959 triệu đồng; 31 vụ liên quan đến thực phẩm chức năng, xử phạt 226 triệu đồng; 100 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt 707 triệu đồng…

Đối với đồ điện gia dụng, mặt hàng vốn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường phát hiện xử lý 95 vụ, xử phạt trên 1,6 tỷ đồng; ngành hàng thời trang có 93 vụ bị xử lý, xử phạt trên 1,3 tỷ đồng; nhiều nhất là các sản phẩm phụ tùng xe máy với 611 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 4,2 tỷ đồng…

Liên quan đến công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh đánh giá còn rất nhiều khó khăn, một phần do vi phạm liên tục có biến thể, phần khác do năng lực cán bộ thực thi còn tồn tại những hạn chế nhất định. "Như vậy, logic là hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường đào tạo nâng cao nhân lực, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Nếu vẫn có sự dung túng của người dùng với sản phẩm giả, mọi nỗ lực từ góc độ quản lý sẽ không mang lại hiệu quả”, Chánh thanh tra Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề cao sự cần thiết của cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuộc các bộ, tổ chức và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bà Quỳnh lấy ví dụ về Chương trình 168 – "Phòng chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ Việt Nam" với sự tham gia của các đơn vị khác nhau như Tổng cục Hải quan, 3 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ liên quan trực tiếp đến "đăng ký – khai thác – bảo vệ" quyền sở hữu trí tuệ. Theo bà Quỳnh, trong quá trình thực hiện Chương trình 168, các đơn vị cùng thực hiện nhiều công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ cho Nhật Bản.

Thực tế, do lợi nhuận quá lớn từ sản phẩm làm giả. Đặc biệt, hiện nay còn hình thành những nhóm người chuyên đi theo các nhãn hiệu nước ngoài để khiến sản phẩm giả mạo tinh vi hơn, gây khó cho cả cơ quan chức năng, dẫn đến xu hướng tăng cao các đối tượng và sản phẩm vi phạm.

Trong khi đó, việc xử lý lại đòi hỏi hiểu biết về pháp luật, quá trình thực hiện đôi khi còn quá trừu tượng, đòi hỏi trí tuệ rất cao... Mặt khác, đối với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, internet, chúng ta phải đối mặt với vi phạm xuyên biên giới. Nhiều khó khăn với người bán hàng từ nước ngoài vào thị trường nội địa. Do đó, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ mở ra cẩm nang mới, giúp cơ quan quản lý bảo vệ tốt hơn các sản phẩm quyền sở hữu trí tuệ đến từ Nhật Bản.

Tại hội thảo, 6 công ty Nhật Bản là chủ sở hữu những thương hiệu nổi tiếng và chính hãng Nhật Bản đã giới thiệu, hướng dẫn chi tiết về cách nhận biết sản phẩm thật – sản phẩm giả, cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống hàng giả tại Việt Nam.

Không gian trưng bày tại Hội thảo giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật và hàng giả. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Ngoài ra, phía Nhật Bản đã cung cấp cẩm nang xác thực giả mạo cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để sử dụng trong đào tạo và thực hành kiểm soát hàng giả, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn…/.

Hải Ngọc

Tin liên quan

Xem thêm