Tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp trong nước đầu tư 8 dự án du lịch trọng điểm để thu hút du khách.
TTXVN - An Giang đang tập trung phát triển du lịch trở thành một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Trong 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là địa phương duy nhất vừa có đồng bằng, vừa có núi, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của 4 dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer. Hiện, ngành Du lịch An Giang được biết đến với nhiều điểm, khu du lịch nổi tiếng như: Khu Du lịch quốc gia núi Sam (thành phố Châu Đốc) với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Khu Du lịch núi Cấm (thị xã Tịnh Biên) là khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái núi rừng nổi tiếng vùng Tây Nam Bộ; rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên)… Toàn tỉnh hiện có 5 khu, điểm du lịch được công nhận, trong đó có một khu du lịch quốc gia, một khu du lịch cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh xác định du lịch là một trong hai mũi nhọn phát triển kinh tế, động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, du lịch tâm linh giữ vai trò trọng tâm trong phát triển du lịch tỉnh tập trung tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam, khu du lịch Núi Cấm và nhiều điểm di tích, đình, đền, chùa của các tôn giáo tập trung xung quanh khu vực vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Cùng với du lịch tâm linh, hiện các điểm, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh cũng thu hút đông khách trong và ngoài nước đến An Giang như Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, điểm tham quan sinh thái Mỹ Luông, điểm tham quan khu du lịch Cồn Én (huyện Chợ Mới).
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch trong tỉnh An Giang được đẩy mạnh, thu hút đông đảo khách đến tham quan, du lịch. Giai đoạn 2021 - 2023, An Giang đón trên 17 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách nghỉ qua đêm của các cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 1,4 triệu lượt, khách quốc tế lưu trú ước đạt trên 15 nghìn lượt; tổng thu du lịch đạt gần 11.000 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2023, ngành Du lịch An Giang ước đón 8,3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch; tăng 10,67% so với cùng kỳ 2022 và đạt 103,75% kế hoạch năm 2023. Trong đó, An Giang đón 22 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong năm 2023 ước đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 21,28% so với cùng kỳ và đạt 103,63% so với kế hoạch cả năm.
Để phục vụ ngành Du lịch phát triển nhanh, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh An Giang không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng và dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 công ty lữ hành, 97 cơ sở lưu trú với quy mô trên 3.200 buồng. An Giang xác định khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các khu du lịch, có tính chất liên kết vùng như: Dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); dự án cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1; dự án xây dựng cầu Tôn Đức Thắng kết nối từ thành phố Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn...
Ngành Du lịch An Giang cũng tập trung Xây dựng các sản phẩm đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thu hút du khách như: Tổ chức lễ hội truyền thống các dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer; xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái cộng đồng đưa vào chương trình tour để giới thiệu, phục vụ khách du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đường sông để hút khách trong và ngoài nước.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp trong nước đầu tư 8 dự án du lịch trọng điểm để thu hút du khách như: Khu Du lịch hồ Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), Khu Du lịch Bắc Miếu Bà (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc), Khu Du lịch Búng Bình Thiên (huyện An Phú), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới), Khu Nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành), Khu Đô thị sinh thái, dịch vụ, du lịch sân Golf Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên), Khu Sinh thái - du lịch di tích lịch sử tại xã Vĩnh An (huyện Châu Thành) và Khu Du lịch sinh thái lòng hồ Tân Trung (ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân).
Để An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ho biết: Địa phương tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Đồng thời, ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, tuyên truyền hình ảnh, thông tin du lịch An Giang đến du khách trong và ngoài nước; đẩy mạnh chuyển đổi số để hỗ trợ du khách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tiếp cận thông tin về du lịch An Giang.
Hiện, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 407A/KH-UBND triển khai Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch trong GRDP của tỉnh lên 15,3%; tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách với số ngày lưu trú bình quân là 3 ngày.
Đến 2025, An Giang phấn đấu có thêm ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc./.
- Từ khóa:
- Du lịch
- ngành kinh tế mũi nhọn
- An Giang