Bạc Liêu tiếp tục xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập.
TTXVN - Ngày 7/8, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tại tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: Thiếu phòng học để tổ chức dạy bán trú, dạy học 2 buổi/ngày; tỷ lệ phòng học bộ môn ở một số điểm trường chưa đạt yêu cầu; một số trường chưa có nhà tập đa năng, sân chơi, bãi tập để triển khai hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ lên lớp; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để…
Để tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến rõ nét, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị, các cấp, ngành, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo nỗ lực thực hiện thắng lợi những định hướng về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết số 15, ngày 05/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới.
Ông Lữ Văn Hùng đề nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên tỉnh Bạc Liêu định hướng đến năm 2030; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, sắp xếp, bố trí hợp lý mạng lưới trường học theo hướng vừa đảm bảo nhu cầu học tập, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. Cùng với đó, chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt để thích ứng tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học, xây dựng trường học an toàn về mọi mặt.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng yêu cầu, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương những năm tiếp theo, trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, ngành thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đảm bảo điều kiện, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án theo từng nhiệm vụ cụ thể được phân công, đề ra biện pháp triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Tỉnh hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục Mầm non vào năm 2015, năm 2022 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai các nội dung theo chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra và đánh giá, xếp loại kết quả học sinh thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác thi và công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2013 đến nay có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đáp ứng nguyện vọng của số đông phụ huynh, học sinh, làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Thời gian tới, Bạc Liêu phấn đấu tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đảm bảo hệ thống giáo dục hiệu quả, hiện đại. Đồng thời, tỉnh tiếp tục xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bản sắc dân tộc.
Tỉnh đề ra một số mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, ở bậc học Mầm non là 76%, Tiểu học 95%, Trung học Cơ sở 90%, Trung học Phổ thông 68%; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt mức độ cao nhất về chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến lớp: Nhà trẻ 38%, Mẫu giáo đạt 97%, Tiểu học đạt 99,5%, Trung học Cơ sở đạt 98%, Trung học Phổ thông (kể cả hệ giáo dục thường xuyên) đạt 92%. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 85%.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận, chia sẻ về kết quả đạt được cũng như cách làm hay, hiệu quả trong quá trình triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW tại địa phương, đơn vị; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm tạo đột phá trong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo thời gian tới.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW./.