Xã hội

Bước đột phát trong xây dựng nông thôn mới tại Nam Định

Nam Định

Xác định xây dựng nông thôn mới là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

TTXVN - Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều bước đột phá, nhiều mục tiêu trong nghị quyết đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

* Đời sống vật chất, tinh thần cho người dân được nâng cao

Mô hình biến rác thành tiền của chị em trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, xã Hải An, huyện Hải Hậu tiếp tục duy trì, phát triển các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu về xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến quý II năm 2023, địa phương đã huy động trên 36 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 13,6 tỷ đồng, nguồn xã hội hoá tài trợ của con em quê hương 675 triệu đồng…

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, tháng 10/2023 xã đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hoá, đây cũng là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hải Hậu. Qua xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được đồng bộ, hệ thống y tế, giáo dục, an ninh trật tự được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Trung, người dân xã Hải An cho biết, người dân trong xã đã hiến nhiều m2 đất để mở rộng đường làng ngõ xóm; góp tiền, góp công để xây dựng cột điện, đèn chiếu sáng; trồng hoa hai bên ven đường để tạo cảnh quan... diện mạo làng quê giờ đây đã thực sự thay đổi, xe cộ ra vào tấp nập, cuộc sống không khác gì thành phố.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hải An cho rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương; giải quyết tốt công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho nhân dân. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đạt 72 triệu đồng/năm.

Trực Tuấn là xã đầu tiên của huyện Trực Ninh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số. Để có được thành tích trên, xã đã đầu tư lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh; lắp đặt hệ thống internet tại các nhà văn hoá; thành lập các tổ công nghệ cộng đồng để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước…

Ông Trần Văn Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Tuấn thông tin, ngoài việc triển khai lắp đặt 5 cụm loa thông minh để phục nhu cầu thông tin hằng ngày của người dân, xã còn đầu tư lắp trên 20 camera an ninh ở các trục đường chính. Từ khi có hệ thông camera an ninh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, không còn tệ nạn trộm cắp, gây rối an ninh trật tự… người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Theo văn phòng điều phối nông thôn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2011-2022, người dân đã tự nguyện góp 2.897ha đất nông nghiệp và hiến 206ha đất thổ cư (tổng trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng, các công trình phúc lợi. Với trên 96% số người dân được lấy ý kiến hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự là chương trình của người dân, vì cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn.

* Phấn đấu huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Phong trào vì sức khỏe phụ nữ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Xác định xây dựng nông thôn mới là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; một huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu…

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, suy thoái kinh tế, nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại Nam Định đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến hết quý III năm 2023, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn (chiếm 93,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 25/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 13,3%).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho rằng, quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại Nam Định những năm qua đã đạt được những đột phá quan trọng, nhiều mục tiêu trong nghị quyết đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tạo mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo các địa phương cố gắng cơ bản hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết quả xây dựng nông thôn mới thời gian qua là yếu tố quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tại Nam Định phát triển theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong 9 tháng năm 2023, kinh tế tỉnh Nam Định tăng trưởng 9,06% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao trong vùng và cả nước (xếp thứ 3/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước). Tổng thu ngân sách năm 2023 ước đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022.

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt phong trào “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”,tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn mới thông minh, tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của các địa phương qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân./.

PV

Xem thêm