Mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện để đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội.
(TTXVN) Năm 2022, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo tinh thần Kế hoạch số 14 của UBND tỉnh.
Mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện để đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội; đồng thời triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đề cập công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương làm tốt việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn theo nội dung Thông tư số 09 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai Quyết định số 25 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh chú trọng đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, từng bước đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn pháp luật.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật sẽ chú trọng phổ biến các văn bản, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là tập trung vào văn bản pháp luật mới thông qua năm 2021 và 2022, văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đúng Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường rà soát, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở, nhất là chú trọng thu hút lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia hòa giải ở cơ sở. Công tác hòa giải ở cơ sở gắn với phong trào thi đua ‘‘Dân vận khéo’’.
Sở Tư pháp phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục triển khai, tổng kết mô hình ‘‘Tổ hòa giải 5 tốt’’ tại 3 đơn vị điểm gồm thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình) và phường 9 (thành phố Cà Mau); tổng kết Đề án ‘‘Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022’’. Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên trong toàn tỉnh.
Theo Tỉnh ủy Cà Mau, năm qua, các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phối hợp trong xử lý vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
Các cấp, ngành quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các loại án và theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết 7 vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo năm 2021. Bên cạnh đó, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được thực hiện chặt chẽ, theo đúng luật định./.