Sức khỏe

"Cầm tay, chỉ việc" nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới

Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức hàng trăm chuyến công tác khảo sát nhu cầu đơn vị ở bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, việc chuyển giao kỹ thuật đã thực sự đúng nhu cầu, mô hình bệnh tật ở địa phương.

Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh: nguồn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

TTXVN - Chia sẻ về hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho y tế tuyến dưới, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho y tế cơ sở của các bệnh viện tuyến trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh viện trung ương vừa nỗ lực làm tốt chuyên môn tại viện, đồng thời cử nhiều đội hình bác sĩ có chuyên môn cao tiếp tục công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ cho tuyến dưới.

“Sau dịch COVID-19, như chúng ta đều biết, hệ thống bệnh viện từ trung ương đến cơ sở đều gặp vô vàn khó khăn. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau 3 năm dịch COVID-19 tăng cao, hệ thống y tế đối mặt với những khó khăn như cung ứng thuốc, vật tư y tế bị gián đoạn…, tuy nhiên với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế nên dù có khó khăn nhưng hệ thống khám chữa bệnh đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế… tiếp tục tổ chức các chuyến đi khảo sát, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới; tổ chức nhiều lớp đào tạo cho các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh…

Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức hàng trăm chuyến công tác khảo sát nhu cầu đơn vị ở bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, việc chuyển giao kỹ thuật đã thực sự đúng nhu cầu, mô hình bệnh tật ở địa phương.

Trong dịch COVID-19, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa như một điểm sáng trong các hoạt động y tế thời kỳ dịch bùng phát. Có thể nói rằng, công tác chỉ đạo tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế.

Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

Bên cạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức "cầm tay, chỉ việc" nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới, việc áp dụng công nghệ thông tin đã được bệnh viện trung ương và địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với tình hình mới. Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, góp phần giải quyết được những ca bệnh khó, cứu sống những người bệnh nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, để tiếp tục nâng cao chất lượng, công tác chỉ đạo tuyến hiệu quả, bệnh viện tuyến trung ương cần tổ chức khảo sát kỹ nhu cầu ở tuyến dưới về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mô hình bệnh tật…. Các đơn vị tuyến dưới cần có kế hoạch cụ thể, đánh giá tổng quát về hiện trạng của mình đề xuất với bệnh viện tuyến trên qua đó có kế hoạch tuyến hỗ trợ kịp thời, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Các đơn vị tuyến dưới rà soát bảo đảm nhân lực tham gia công tác đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật; phối hợp các bệnh viện hạt nhân tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ Telehealth, khám chữa bệnh từ xa thu hẹp khoảng cách địa lý giữa tuyến trên và tuyến dưới Nâng cao năng lực y tế cho tuyến dưới không chỉ giúp giảm tải cho tuyến trên mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế một cách đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm