Sức khỏe

Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong ghép tế bào gốc nhưng số ca ghép chưa nhiều

TP. Hồ Chí Minh

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phù Chí Dũng, Việt Nam dù đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật ghép tế bào gốc nhưng các ca ghép vẫn chưa được triển khai nhiều.

TTXVN - "Mặc dù những năm gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong ghép tế bào gốc nhưng số ca ghép thực tế vẫn chưa nhiều do vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn". Đây là nhận định của Tiến sĩ, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng và Hội nghị Ghép tủy xương – Tế bào gốc tạo máu Việt Pháp lần 7 năm 2023. Hội nghị khai mạc ngày 24/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.

Hội nghị thu hút nhiều đại biểu quốc tế. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phù Chí Dũng, Việt Nam bắt đầu thực hiện ghép tế bào gốc thành công từ năm 1995. Kết quả này đã đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động ghép tế bào gốc trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, khoảng 10 năm gần đây, việc ghép tế bào gốc điều trị cho những bệnh nhân huyết học, ung thư của Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Nhiều trung tâm ghép mới cũng bắt đầu dần hình thành tại các khu vực trên cả nước. Hiện, Việt Nam gần như đã thực hiện được tất cả kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu, từ ghép tự thân đến ghép đồng loại, dị ghép, ghép tủy xương, ghép ngoại vi…

Gần đây nhất, năm 2021, các bác sĩ Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật ghép có sử dụng tia xạ toàn thân trong phác đồ hóa trị diệt tủy (TBI). "Nếu như trước đây bệnh nhân Việt Nam phải đi qua các nước như Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… để điều trị nhưng những năm gần đây số ca có nhu cầu đi nước ngoài điều trị đã giảm rất nhiều. Điều này cho thấy sự tin tưởng của người bệnh cũng như các kỹ thuật ghép ở Việt Nam đã ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực châu Á", bác sĩ Phù Chí Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, dù đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật ghép tế bào gốc nhưng theo bác sĩ Phù Chí Dũng, các ca ghép vẫn chưa được triển khai nhiều. Đơn cử như tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023 thực hiện được 80 ca ghép tế bào gốc, dù tăng 20 ca so với năm 2022 nhưng cũng chỉ mới đạt 50% công suất của đơn vị này. Theo bác sĩ Dũng, vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản trong ghép tế bào gốc như: hạn chế nguồn tế bào gốc, các thuốc hiếm, thuốc đặc trị còn thiếu, chi phí ghép cao…

Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng và Hội nghị Ghép tủy xương – Tế bào gốc tạo máu Việt Pháp lần 7 năm 2023 được tổ chức ngày 24 - 25/11/2023 với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu bao trong và ngoài nước.

Chuyên gia quốc tế trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tại Hội nghị, nhiều công trình nghiên cứu khoa học mới nhất được báo cáo như: Ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh lý huyết học; Điều trị các biến chứng ghép; Cuộc sống của người bệnh sau ghép; Xét nghiệm kỹ thuật cao trong ghép tế bào gốc; Truyền máu trong ghép tế bào gốc tạo máu…

Hội nghị năm nay có hơn 40 bài báo cáo của các báo cáo viên nuớc ngoài đến từ các nuớc Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Canada... Hội nghị là nơi cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn giữa các chuyên gia, các bệnh viện về lĩnh vực truyền máu huyết học và ghép tế bào gốc./.

Đinh Hằng

Xem thêm