Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
TTXVN - Ngày 12/5, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội tổ chức Phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả thực hiện, xác định nguyên nhân của tồn tại, hạn chế để đưa ra giải pháp hiệu quả, khả thi thời gian tới. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Theo báo cáo, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng “xanh”. Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Giai đoạn 2012 - 2021, HĐND thành phố đã ban hành 9 nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để cụ thể hóa một số nội dung hỗ trợ của Trung ương giao cấp tỉnh quy định chi tiết và quy định một số cơ chế hỗ trợ đặc thù của Thủ đô trong phát triển nông nghiệp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Trung ương và thành phố Hà Nội cho phát triển nông nghiệp, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, dự án sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho một số khâu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chi phí cho máy móc thiết bị, giống, phòng chống dịch bệnh, chi phí giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…); hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ phát triển thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc chủ động, tích cực triển khai cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội trung bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,53%; từ năm 2021 - 2022 đạt trên 3%, trước mắt bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2,5 - 3%/năm trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (100% số xã) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước. Hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả…
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Hội đồng nhân dân đã chỉ rõ tồn tại, bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp như: việc xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi triển khai dự án phi nông nghiệp nhưng dự án chậm tiến độ chưa giải phóng mặt bằng, nông dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất hoặc tình trạng người dân không mặn mà với đồng ruộng để đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai. Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) chậm đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư, xảy ra ô nhiễm môi trường tại khu vực…
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, phiên chất vấn này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu tiếp tục tái cơ cấu ngành kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện đời sống, thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố.
Việc triển khai quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch chung của thành phố còn chưa rõ nét, chưa có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra. Quy hoạch này được phê duyệt từ năm 2012, HĐND đã có nghị quyết và UBND ban hành kế hoạch, trong đó rất rõ về các vùng chuyên canh nhưng hiện nay cần rà soát lại. Nhiều chính sách của Trung ương và thành phố chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời. Một số chính sách thực hiện còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.
Việc phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố và UBND quận, huyện, thị xã trong hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tiếp cận, nhận hỗ trợ theo cơ chế, chính sách còn nhiều thủ tục, chưa thuận lợi, kết quả cũng chưa cao.
Nhiều chuỗi liên kết không mang tính liên tục. Công tác xây dựng thương hiệu, dự báo thị trường, kết nối giao thương chưa ổn định, thiếu tính dài hạn nên không tạo dựng được giá trị cao, bền vững cho phần lớn mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế nông nghiệp chưa được cơ quan quản lý hướng dẫn, kiểm tra, xử lý kịp thời, đề xuất tháo gỡ về thủ tục đất đai, xây dựng…
Thường trực HĐND thành phố yêu cầu, UBND thành phố, các cấp, ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu, kiến nghị của cử tri và nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến rõ nét đối với nội dung, lĩnh vực chất vấn đã được đại biểu HĐND thành phố nêu tại phiên chất vấn./.