Thực thi chính sách

Quảng Nam kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhiều vấn đề quan trọng

Quảng Nam

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý địa phương tập trung cao độ, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

TTXVN - Thực hiện Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/5, đoàn công tác của Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; nhà ở xã hội, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo đánh giá của tỉnh Quảng Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của địa phương giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 13.710 tỷ đồng. Quy mô nền kinh tế đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 1,1 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2023 gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng giảm 29,8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm, đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô.

Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm, như tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh đồng bộ khớp nối với hệ thống đường ven biển quốc gia, các tuyến kết nối giữa đường ven biển với đường quốc lộ và đường cao tốc; các dự án đường đến vùng nguyên liệu. Phát triển hệ thống cảng biển và sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, trọng điểm, chiến lược để thúc đẩy phát triển, phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai thời gian tới.

Hiện nay trên địa bàn, các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam có 231/284 dự án đang hoạt động, sử dụng khoảng 61.000 lao động. Giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 287,537 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu đạt 397,101 triệu USD, giảm 38%.

Tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 7.778 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương là 7.189 tỷ đồng, đạt 92%. Tính đến hết ngày 30/4, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 878 tỷ đồng, đạt 11,3% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao và đạt 12,8% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao...

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa có dự án nhà ở xã hội được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thị trường bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển lành mạnh; tuy nhiên, vẫn còn một số dự án (chủ yếu tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) xảy ra khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người.

Tại buổi làm việc, Quảng Nam có 33 nội dung vướng mắc cần tháo gỡ, tập trung chủ yếu ở nội dung bồi thường giải phóng mặt bằng, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giải ngân, thẩm định nguồn vốn, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, quy hoạch tỉnh; các nội dung chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật; các nội dung không còn phù hợp với thực tế và các nội dung chưa được pháp luật quy định…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đánh giá cao những cố gắng của chính quyền địa phương trong việc điều hành phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19; ghi nhận những cố gắng của địa phương trong phát triển ở các lĩnh vực để phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý với địa phương về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công phải được đầu tư trọng tâm, trọng điểm; tập trung cao độ, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực phát triển; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Tỉnh cần quan tâm, chú trọng phân tích đánh giá tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước tác động trực tiếp đến địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tỉnh cũng cần phân tích lợi thế của địa phương để thúc đẩy tạo môi trường phát triển các ngành nghề như: du lịch, thương mại dịch vụ nông nghiệp… Bên cạnh đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp...

Tỉnh cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh và đánh giá các mặt công tác giữa nhiệm kỳ để tìm các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra…/.

Trần Tĩnh

Xem thêm