An sinh

Chính sách bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống

Chính sách bảo hiểm y tế tạo điều kiện cho mọi người dân, được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực.

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Chính sách bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Chính sách này ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đến nay, các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành trên địa bàn. Hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm y tế và xác định việc tham gia bảo hiểm y tế vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, góp phần tăng trưởng bền vững độ bao phủ bảo hiểm y tế.

Người dân được thụ hưởng các lợi ích, giá trị nhân văn của chính sách

Mang ý nghĩa, giá trị nhân văn, thiết thực, chính sách bảo hiểm y tế đã ngày càng phát triển và hoàn thiện, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là các nhóm người yếu thế đều được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các lợi ích, giá trị nhân văn, thiết thực của chính sách ưu việt này.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 74,87% thì đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia).

Do tác động của dịch COVID-19, từ năm 2022 đến nay, công tác phát triển đối tượng dù có nhiều khó khăn nhưng diện bao phủ bảo hiểm y tế vẫn tăng hằng năm. Hầu hết các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được tham gia bảo hiểm y tế; được ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn lực khác để đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được Đảng và Nhà nước quan tâm và triển khai có hiệu quả, chuyên sâu, đặc biệt hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (gồm 2.897 cơ sở khám, chữa bệnh và gần 10.000 trạm y tế xã). Hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh tăng qua từng năm. Trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng gần 2 lần so với năm 2009) của trên 39 triệu người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Người dân khám bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt, tỉnh Vĩnh Phúc. 
Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN)

Y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) chiếm 95% số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giai đoạn 2018 - 2023, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm gần 75% tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến này chiếm khoảng 34% tổng số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế ở tuyến đầu, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế.

Vì quyền lợi của người tham gia

Người tham gia bảo hiểm y tế không chỉ được gia tăng quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mà còn được thụ hưởng nhiều lợi ích, tiện ích từ công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung ưu tiên triển khai nhằm vừa tạo thuận lợi, phục vụ tốt người bệnh bảo hiểm y tế, vừa chống trục lợi, tối ưu Quỹ bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giản lược tối đa số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện, đẩy mạnh giao dịch điện tử, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan Bảo hiểm xã hội 24/7. Bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) xuống chỉ còn 25 thủ tục; trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 giúp người dân giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Thực hiện Đề án 06, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì xây dựng đã được tích hợp, kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số bộ, ngành. Đến nay, hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của ngành và cải cách thủ tục hành chính.

Hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân. Qua đó, đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp người bệnh được đơn giản hóa thủ tục, không phải lo lắng việc bảo quản hay quên thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh, mà còn đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh; rút ngắn thời gian, thủ tục khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, giúp quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế, chống trục lợi./.

TP

Tin liên quan

Xem thêm