Xây dựng Chiến lược về lao động việc làm gắn với định hướng phát triển của địa phương
Để đảm bảo việc làm trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút đầu tư có chọn lọc, ứng dụng công nghệ cao.
Là vùng kinh tế năng động của cả nước, Đông Nam Bộ thu hút lượng lớn lao động đến làm việc. Có chiến lược về lao động việc làm, dự báo cung - cầu lao động, tăng kênh kết nối để người lao động, nhà tuyển dụng “gặp nhau” là giải pháp nhiều địa phương trong vùng triển khai, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
*Thu hút đầu tư chọn lọc, tạo việc làm bền vững
Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị hạt nhân của vùng có nguồn cung lao động dồi dào. Nhu cầu lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hằng năm đều tăng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, lực lượng lao động tại Thành phố chiếm khoảng trên 8% lực lượng lao động của cả nước, tốc độ tăng lao động trung bình hằng năm khoảng 0,59%/năm. Hằng năm, Thành phố bổ sung lực lượng lớn bước vào tuổi lao động và một bộ phận lao động nhập cư trong độ tuổi lao động từ các tỉnh, thành phố trong nước và lao động người nước ngoài đến làm việc.
Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND Thành phố phê duyệt đưa ra dự báo cung - cầu lao động trên địa bàn Thành phố với nhiều điểm đáng chú ý. Đó là nguồn cung lao động tại Thành phố có các điểm mạnh cơ bản như, lực lượng lao động dồi dào, đa dạng, có hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo nghề tốt, chất lượng, có nhu cầu lao động rất lớn, vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao lưu quốc tế, sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư, lao động trình độ cao.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại một số điểm yếu trong thu hút lao động như, chi phí và mức sống khá cao, đòi hỏi người lao động cân nhắc khi đến đây học tập, cư trú và làm việc. Ngoài ra, chênh lệch về kỹ năng lao động còn cao, chưa khắc phục hoàn toàn nghịch lý thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành quan trọng…
Dự báo, giai đoạn từ 2025-2030, nguồn cung lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ổn định nhưng xu hướng giảm nhẹ cho đến năm 2030. Nhu cầu lao động dự kiến vượt qua cung lao động từ năm 2023 đến năm 2030. Sự gia tăng dự kiến của nhu cầu lao động nhanh hơn so với nguồn cung, đặc biệt từ năm 2027 trở đi. Điều này có thể tạo ra tình trạng thiếu lao động tại Thành phố, gây áp lực tăng mức lương và cạnh tranh giữa các công ty để thu hút, giữ chân nhân tài. Đồng thời, nhu cầu nhân lực của Thành phố giai đoạn 2025-2030 được xác định gắn với xu thế phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, chuyển đổi số, ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ, phát triển thương mại theo hướng thương mại dịch vụ.
Vì vậy, theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, để đảm bảo việc làm trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, góp phần phát triển thị trường lao động hiệu quả, Thành phố thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao; hạn chế các dự án đầu tư thâm dụng lao động phổ thông hoặc dự án nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…Thành phố phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (trung tâm tài chính, cao ốc văn phòng, thương mại bán buôn, trung tâm mua sắm quốc tế, logistics, du lịch, công nghiệp văn hóa, y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục và đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ). Đây là những ngành, lĩnh vực Thành phố có nhiều tiềm năng lợi thế, có khả năng tạo phát triển mang tính đột phá, đảm bảo phát triển bền vững. Qua đó từng bước đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Cùng giải pháp ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra dự báo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 8.500 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, với trên 250.000 lao động. Dự kiến mỗi năm các doanh nghiệp sẽ cần thêm ít nhất 20.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo chiếm hơn 80% tổng lao động. Đồng thời, trọng tâm thu hút lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh sẽ ở các lĩnh vực hóa dầu, cảng biển, logistics, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, dịch vụ, đô thị - du lịch…
Song, dự báo sự gia tăng lao động tại chỗ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do đó, giải pháp được Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra là tiếp tục tập trung ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm phát huy lợi thế về kinh tế biển, phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch, đưa tỉnh phát triển trở trung tâm công nghiệp vùng, trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á và trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, gắn liền với phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, thu hút lao động chất lượng cao.
*Tăng kết nối cung - cầu lao động
Đánh giá về thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hiện cung - cầu lao động còn nhiều bất cập phần nào cho thấy thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả. Một số lao động không tìm được việc làm trong khi doanh nghiệp không tuyển được lao động phù hợp. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng hệ thống kết nối cung - cầu lao động, đặc biệt là các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, các trung tâm giới thiệu việc làm, tạo sự kết nối liên thông giữa doanh nghiệp và người lao động một cách hiệu quả. Đồng thời, xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp - việc làm thành phố kết nối các tỉnh, thành phố, khu vực và quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn và dài hạn.
Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, Thành phố đẩy mạnh xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội từng giai đoạn. Đồng thời, Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, củng cố hiệu quả hoạt động của cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác dự báo, gắn kết hệ thống thông tin thị trường lao động Thành phố với hệ thống thông tin thị trường lao động của quốc gia để cập nhật kịp thời xu thế thị trường lao động cả nước. Thành phố hướng tới xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động khu vực ASEAN trong bối cảnh cho phép lao động ở một số ngành, nghề được tự do di chuyển trong các nước thành viên nhằm tạo thêm việc làm bền vững, năng suất cho người lao động.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về lao động. Từ năm 2026, đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động vào quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông.
Với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai chương trình tăng cường thu hút lao động chất lượng cao làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn giai đoạn 2024-2030. Qua đó, cung cấp đủ nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến hết năm 2025, đáp ứng 75% nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đến năm 2030, đáp ứng 90% nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Để đạt mục tiêu, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, các đơn vị chức năng tăng cường cung cấp thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động có tay nghề, chuyên môn, trình độ, ngành nghề đào tạo… của doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm định hướng nghề nghiệp cho người lao động và các hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tỉnh rà soát, xác định thị trường lao động chiến lược để thu hút lao động, xúc tiến hoạt động kết nối, hợp tác giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh cùng mục tiêu, nhất là các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.
Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động với nhiều hình thức quảng bá thông qua phương tiện thông tin, trang mạng xã hội, ứng dụng, cổng thông tin của Chính phủ và các địa phương, website việc làm. Đồng thời, xây dựng ứng dụng Vieclambariavungtau đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo để kết nối cung - cầu lao động, thu hút lao động chất lượng cao đến làm việc tại tỉnh./.