Xã hội

Phối hợp ba bên giải quyết bài toán đào tạo - việc làm

Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp và thị trường lao động, giúp người lao động có việc làm ổn định sau khi được đào tạo.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong giờ thực tập sửa chữa máy móc, thiết bị. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để giải quyết bài toán “đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm” cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp và thị trường lao động, giúp người lao động có việc làm ổn định sau khi được đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho hay, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động luôn được tỉnh quan tâm và chú trọng thực hiện. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; trong đó quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đối với công tác đào tạo nghề nói chung và công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp nói riêng.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành cơ điện. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo ông Nguyễn Long Biên, đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp thực hiện hướng dẫn, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, tuyển lao động và cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, "Nhà trường - Nhà nước - Doanh nghiệp" cùng thống nhất phối hợp triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến công tác đào tạo nghề, nhu cầu đào tạo, tuyển lao động và cung ứng lao động, đáp ứng thị trường lao động.

Ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, việc quản lý và tổ chức đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Ninh Thuận được thực hiện khá tốt. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy; đặc biệt một số cơ sở đã áp dụng mô hình “đào tạo kép”, phối hợp chặt chẽ đào tạo tại trường và tại doanh nghiệp, thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, cập nhật thông tin cho giáo viên và học viên về các kỹ năng mới, công nghệ mới…

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Ninh Thuận cũng chủ động gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Nhờ đó, quy chế phối hợp 3 bên “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” đã bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt.

Điển hình như tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, doanh nghiệp luôn chủ động cùng tham gia với nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu và hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên của Trường tìm được việc làm tại các doanh nghiệp ngay khi đang học năm thứ 2, đây là điểm mới trong công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm của nhà trường trong thời gian qua.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành cơ điện. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập và hỗ trợ tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi ra trường, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận đã thành lập Hội đồng tư vấn nghề với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận đã xây dựng Trung tâm Đào tạo về năng lượng tái tạo, mỗi năm đào tạo khoảng 250 sinh viên, đáp ứng nguồn nhân lực về năng lượng tái tạo cho tỉnh và cả khu vực Nam Trung Bộ.

Thạc sỹ Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận chia sẻ, ngoài chú trọng chất lượng đào tạo, nhà trường rất quan tâm đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh như: tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động; mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm đến các xã vùng sâu, vùng xa để tư vấn, thông tin thị trường lao động, giúp người lao động tiếp cận được các doanh nghiệp, tìm hiểu về việc làm, mức lương, thu nhập và các điều kiện làm việc...

Ninh Thuận là tỉnh tiên phong thành lập mô hình giáo dục nghề nghiệp của cả nước, đưa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp cùng thống nhất định hướng, quyết định phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo và dự báo được các ngành nghề đào tạo trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và vị trí việc làm của người lao động.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 5 giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 -2025. Ninh Thuận tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, cân đối nhu cầu đào tạo và việc làm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển theo hướng nhanh, bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, lao động qua đào tạo đạt 70%, tạo việc làm bình quân cho 16.000 lao động/năm./.

Thành Công Thử

Tin liên quan

Xem thêm