Nhiều đại biểu tỉnh Bình Phước cho rằng công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước chưa được quan tâm đúng mức, tính liên tục, hiệu quả chưa cao ở một số địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ngày 4/7, tại Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới tình trạng đuối nước trẻ em còn diễn biến phức tạp.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc do tai nạn đuối nước. Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 32 trẻ em bị đuối nước, trong đó năm 2023 là 21 trẻ em, 6 tháng đầu năm 2024 là 11 trẻ em, tăng so với cùng kỳ năm 2023 là 3 em.
Nhiều đại biểu cho rằng công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước chưa được quan tâm đúng mức, tính liên tục, hiệu quả chưa cao ở một số địa phương đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, môi trường sống có nhiều ao, hồ, sông, suối tiềm ẩn nguy hiểm, không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Các khu vui chơi an toàn cho trẻ em như: hồ bơi, khu vui chơi nước dành cho trẻ em còn hạn chế; chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ dẫn đến trẻ em phải chơi ở những khu vực sông, suối nơi mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao…
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước Phùng Hiệp Quốc cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước như: Cha mẹ, người thân phải làm ăn xa hay kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế nên thường chủ quan, lơ là việc trông coi trẻ, để trẻ tự do vui chơi ở những nơi nguy hiểm như ao, hồ, sông, suối,...
Bên cạnh đó, nhiều trẻ em còn hạn chế về kiến thức an toàn trong môi trường nước và chưa ý thức được nguy hiểm. Trẻ nhỏ đặc biệt hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng chưa nhận thức được hết mức độ nguy hiểm của môi trường nước, chưa được giáo dục về các nguy hiểm của nước và cách tự bảo vệ mình khi ở gần nước. Trẻ em không biết bơi hoặc chưa thành thạo kỹ năng bơi lội dễ gặp nguy hiểm khi rơi vào nước sâu hoặc không được trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm trong nước.
Theo ông Phùng Hiệp Quốc, để phòng, chống đuối nước, chính quyền các cấp cần tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục an toàn cho trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành các tài liệu tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, tập huấn về an toàn cho trẻ; trang bị hồ bơi cho trẻ. Gia đình cần tạo môi trường sống an toàn, rào chắn các khu vực ao, hồ. Người lớn thường xuyên giám sát không để trẻ em một mình khi sinh hoạt, vui chơi, hoặc tham gia các hoạt động khác. Bên cạnh đó, việc giáo dục trẻ nhận biết các nguy hiểm tiềm ẩn và kỹ năng xử lý tình huống khi vui chơi giải trí, cho trẻ tập bơi ngay từ nhỏ rất cần thiết.
“Các trường học tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn cho học sinh; nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của an toàn; dạy học sinh kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn thông qua các hình thức đa dạng”, ông Phùng Hiệp Quốc chia sẻ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, để phòng tránh đuối nước, cộng đồng cần xây dựng các đội ngũ cứu hộ và sơ cấp cứu tại các khu vực bơi lội công cộng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát và bảo vệ trẻ em khi tiếp xúc với nước. Tại cấp huyện, 100% ao, hồ, sông, suối có nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em có lắp đặt cảnh báo…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Bình Phước có đặc thù nhiều sông, suối, ao, hồ, địa bàn rộng nên khó khăn trong công tác dạy bơi. Thời gian qua, tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê tình trạng cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống đuối nước. Hiện nay, cơ sở vật chất dạy bơi vẫn thiếu, chỉ có 47 bể bơi di động và cố định, trong số hơn 300 trường học trên địa bàn tỉnh, gần 70% giáo viên dạy giáo dục thể chất trong trường có thể dạy bơi. Thời gian tới tỉnh sẽ tính toán nguồn lực từ ngân sách và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ công tác này hiệu quả, an toàn./.